Kinh tế - Chính trị - Văn hóa - Xã hội

Cần tăng quyền của phụ nữ hơn nữa

1701

Dù vấn đề bình đẳng giới đã được cọi trọng, song người phụ nữ vẫn bị ràng buộc bởi khuôn mẫu hay định kiến về giới trong gia đình và xã hội. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi cùng bà Ngô Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ.

 

Theo bà, những chính sách về độ tuổi nghỉ hưu, chế độ thai sản, tiền lương… đối với nữ giới đã phù hợp chưa?

Theo tôi, chính sách tiền lương cũng đã có những quy định, nguyên tắc về việc nam, nữ làm cùng một công việc thì được hưởng mức lương như nhau. Nhưng trên thực tế, mức lương của nữ giới vẫn thấp hơn của nam giới dù cùng làm một loại hình công việc. Bên cạnh đó, chính sách tiền lương còn liên quan đến tuổi nghỉ hưu của phụ nữ. Phụ nữ về hưu sớm hơn nam giới nên tiền lương của nữ thấp hơn so với nam. Trong khi đó, tuổi thọ của nữ cao hơn nam, đây cũng là bất cập của phụ nữ.

Về chính sách thai sản đã có quy định cho phụ nữ nghỉ sinh tăng từ 4 tháng đến 6 tháng. Tuy nhiên, quy định này chỉ có lợi cho một bộ phận lao động như: Công nhân viên chức, những người có hợp đồng lao động dài hạn được lợi. Chính sách thai sản lại chưa tính đến những người làm việc phi trí thức như: Lao động nông nghiệp, lao động di cư, kinh doanh hộ gia đình… mà những người này lại chiếm số đông trong lực lượng lao động của Việt Nam. Vô hình trung chính sách thai sản đang bỏ lửng đối với lực lượng lao động phi chính thức.

 Bên cạnh đó, chính sách thai sản chưa khuyến khích vai trò chăm sóc, nuôi dưỡng của nam giới. Mặc dù, đã có quy định khi vợ sinh người chồng được nghỉ 7 ngày nhưng  thời gian này chưa đủ để khuyến khích vai trò của nam giới tham gia vào chăm sóc con. Do đó, cần phải có những quy định nới lỏng hơn như khi cặp vợ chồng sinh con thì cơ quan của người chồng và người vợ cùng chia sẻ khoảng thời gian nghỉ chế độ thai sản để cả hai cùng cơ cơ hội chăm sóc con cái. Như vậy, sẽ khuyến khích được vấn đề bình đẳng trong việc chăm sóc và nuôi dưỡng con.

Bà nhận định như thế nào về việc nữ giới nắm quyền trong các cơ quan Nhà nước, công ty, xí nghiệp?

Trong những năm gần đây Việt Nam cũng đã có nữ Chủ tịch Quốc hội, số phụ nữ trong Bộ Chính trị cũng tăng lên. Tuy nhiên, có những vấn đề vẫn dậm chân tại chỗ như khoảng 10 năm vừa qua, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội không tăng nhiều, tỷ lệ nữ ủy viên Trung ương Đảng không tăng. Bên cạnh đó, chất lượng cũng không được đồng đều do nữ giới thường giữ ở những vị trí cơ cấu. Đối với khối kinh doanh một số nữ giới phát huy tốt vai trò của mình. Còn trong mảng xã hội vai trò của nữ được khẳng định rõ rệt, các tổ chức xã hội nghề nghiệp lực lượng nữ khá đông.

Bà có kiến nghị gì để tăng quyền bình đẳng cho phụ nữ?

Khi sửa đổi chính sách cần bám sát các chuẩn mực về quyền con người, trong đó có quyền con người của phụ nữ để thúc đẩy họ phát triển một cách bình đẳng ở tất cả các lĩnh vực: Kinh tế, xã hội, chính trị… Khi sửa đổi, ban hành chính sách mới cần đảm bảo các tầng lớp phụ nữ không bị phân biệt đối xử. Các chính sách cần đảm bảo quyền tự do của phụ nữ như: Tự do hôn nhân, tự do lựa chọn nghề nghiệp, tự do phát triển nhân cách… Đồng thời, cần mở rộng không gian cho các nhóm hoạt động vì bình đẳng giới và quyền phụ nữ.

Xin cảm ơn bà!

Nguồn: baomoi.com

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Thông tin

Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ.

Địa chỉ: 660 Trưng Nữ Vương - Quận Hải Châu – Đà Nẵng

Điện thoại: 0236 3 618630 - Fax: 02363 618139

Email: webmaster@kttvttb.vn