Kết quả kiểm tra của Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành của tỉnh Bình Định từ tháng 8 đến tháng 9/2016, về việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) và tài nguyên nước trong hoạt động xả thải vào nguồn nước của các KCN, CCN trên địa bàn cho thấy, hoạt động này tồn tại nhiều bất cập.
Trao đổi với PV, bà Hà Thị Thanh Hương, Chi Cục trưởng Chi cục BVMT Bình Định cho biết, kết quả kiểm tra, 4/4 KCN và 7/8 CCN đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung với tổng công suất xử lý theo thiết kế đạt gần 6.300m3/ngày đêm (CCN Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung). Tuy vậy, chỉ 3/10 hệ thống gồm KCN Phú Tài - Long Mỹ, CCN Nhơn Hòa và CCN Gò Đá Trắng có nước thải để vận hành thường xuyên. 7 hệ thống còn lại đều “đắp chiếu” vì không thu gom được nước thải.
Bà Hà Thị Thanh Hương - Chi Cục trưởng Chi cục BVMT Bình Định |
* PV: Vì sao lại có tình trạng “đắp chiếu”, thưa bà?
Bà Hà Thị Thanh Hương: Theo tôi, việc này xuất phát từ nguyên nhân DN ngại không muốn đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung vì sợ kiểm soát, sợ nộp phí. Trong khi, phía đơn vị quản lý vận hành hoặc chủ đầu tư hạ tầng sợ cũng e ngại nếu nước thải đưa về xử lý tập trung khi đưa ra môi trường không “đạt chuẩn” sẽ bị trách nhiệm. Còn các CCN do địa phương quản lý, công tác chỉ đạo mờ nhạt, thiếu kiên quyết trong việc chỉ đạo các DN phải xả thải về hệ thống xử lý tập trung, từ đó, thu gom được nước thải. Việc đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải hiện nay, hầu như khoán trắng cho Ban Quản lý đầu tư và xây dựng huyện. Song trách nhiệm vận hành, quản lý hệ thống lại thuộc về Ban Quản lý CCN, dễ nảy sinh tư tưởng đùn đẩy trách nhiệm.
* PV: Như vậy, có thể thấy, còn nhiều “lỗ hổng” trong quy định DN phải đấu nối xả thải vào hệ thống xử lý tập trung tại các khu, cụm công nhiệp cũng như chế tài buộc họ phải thực hiện?
Bà Hà Thị Thanh Hương: Đúng vậy! Lượng nước thải phát sinh tại 12 KCN, CCN vừa kiểm tra chỉ đạt khoảng 1.300m3/ngày đêm. Trong đó, riêng KCN Phú Tài - Long Mỹ đã chiếm trên 64% rồi (835 m3/ngày đêm). Như vậy, còn một lượng nước thải trong quá trình hoạt động sản xuất của DN đã thoát ra bên ngoài, về lâu dài sẽ làm cho môi trường đất, nước ô nhiễm. Đó là chưa nói đến việc hầu hết các hệ thống xử lý nước thải chủ yếu sử dụng công nghệ sinh học và hóa lý để xử lý, nếu không được vận hành thường xuyên sẽ hư hỏng, xuống cấp, gây lãng phí lớn.
Trạm xử lý nước thải tập trung CCN Thanh Liêm (TX. An Nhơn) nằm “đắp chiếu” suốt 3 năm qua. |
Đợt kiểm tra vừa qua và thực tế, xả thải tập trung tại các khu, cụm công nghiệp diễn ra lâu nay trên địa bàn tỉnh, tôi thấy rằng, nhiều chủ DN không hoặc chưa quan tâm đến việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải, chưa bố trí cán bộ có chuyên môn để vận hành các công trình xử lý môi trường. Vì vậy, chất thải sau khi được xử lý đưa ra môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, cấp chính quyền một số nơi chưa thực sự quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường. Khâu quy hoạch, lựa chọn vị trí, đầu tư hạ tầng thu gom và xử lý nước thải đến công tác hướng dẫn kiểm tra, xử lý vi phạm của các cơ quan Nhà nước vẫn còn tồn tại những bất cập. Hiệu quả thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng cũng chưa cao.
*PV: Làm thế nào hạn chế được “lổ hổng” này?
Bà Hà Thị Thanh Hương: Theo tôi, đối với các KCN, CCN đã có hệ thống xử lý tập trung, các chủ đầu tư, chủ quản lý hạ tầng BVMT cần có trách nhiệm rà soát, hoàn thiện và đôn đốc đấu nối để đưa các hệ thống xử lý nước thải đi vào hoạt động. Mặt khác, cơ quan quản lý về môi trường và chính quyền địa phương tăng cường trách nhiệm thanh kiểm tra công tác bảo vệ môi trường, xả thải; kiên quyết xử lý đối với DN không chịu thực hiện đấu nối, kể cả chủ đầu tư hạ tầng cũng phải chịu trách nhiệm. Riêng các CCN chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung cần tiến hành rà soát, thống kê cụ thể lượng nước thải phát sinh tại nơi đó, từ đó, có kế hoạch xử lý cụ thể, không để nước thải chưa qua xử lý xả thẳng ra môi trường.
Một điều quan trọng nữa là cần có cơ chế khuyến khích hoặc tạo điều kiện cho người dân cùng tham gia giám sát việc chấp hành pháp luật về BVMT của DN. Chính quyền địa phương, cơ quan chức năng nên công khai thông tin các đơn vị, DN vi phạm, cũng như mở nhiều kênh để tiếp nhận thông tin, phản ánh các hành vi làm ô nhiễm môi trương từ người dân.
*PV: Trân trọng cảm ơn bà!
*Toàn tỉnh Bình Định hiện có 6 KCN và 43 CCN đang hoạt động, thu hút hơn 500 doanh nghiệp vào đầu tư hoạt động sản xuất các ngành nghề: chế biến đồ gỗ xuất khẩu, thủ công mỹ nghệ, may mặc, dày da, chế biến đá granit, cơ khí, cán - kéo nhôm, thép... * 4 KCN được kiểm tra gồm: Nhơn Hòa, Phú Tài, Long Mỹ, KCN A - Khu Kinh tế Nhơn Hội, còn 8 CCN là Gò Đá Trắng, Thanh Liêm, Phước An, Gò Mít, Phú An, Cát Nhơn, Canh Vinh và CCN Tam Quan. |
Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn
TIN TỨC CHUNG
Leave a reply
Your email address will not be published. Required fields are marked *
Tin tức