Trong khi cơ quan chức năng còn loay hoay với việc có tiếp tục cho Formosa xả thải ra biển hay không thì ở 4 tỉnh miền Trung ngư dân vẫn đang chịu hậu quả vì thảm họa do Formosa gây ra.
Đánh bắt xa bờ cũng thua
Chiều 8.9, tại 2 cảng cá của Hà Tĩnh là Cửa Sót và Cửa Nhượng, nhiều tàu cập bến đầy ắp cá, tôm, cua, sò... Tuy nhiên lượng đánh bắt chỉ bằng một nửa năm 2015 và sức mua giảm mạnh nên thu nhập của ngư dân bị giảm thê thảm.
Là người trực tiếp buôn bán hải sản tại cảng cá Cửa Sót, chị Nguyễn Thị Yến (43 tuổi, ngụ xã Thạch Kim, H.Lộc Hà, Hà Tĩnh) cho biết tâm lý người dân còn e dè, chưa dám ăn hải sản như trước nên lượng bán ra sụt giảm. Có nhiều loại cá biển như cá trích, cá lẹp, lòi... không ai mua.
|
Tại Quảng Bình cũng tương tự. Ông Nguyễn Thanh Điệu, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Bảo Ninh (TP.Đồng Hới, Quảng Bình), cho biết đến thời điểm hiện tại tình hình tiêu thụ thủy hải sản vẫn chưa có chuyển biến tích cực, người dân vẫn dè chừng với thủy hải sản đánh bắt từ biển. Vì thế, việc mua bán ế ẩm, giá cả rớt xuống bằng 1/3 so với thời điểm chưa xảy ra sự cố môi trường biển.
Đặc biệt, ngư dân bị các đầu nậu thu mua ép giá nhưng buộc phải bán để có thu nhập, chi phí trang trải cuộc sống. Xã Bảo Ninh có 216 tàu đánh bắt gần bờ, vì người dân không có nghề khác nên hầu hết các tàu thuyền đều ra biển đánh bắt. Tuy nhiên, theo ngư dân Lại Minh Tân (ở thôn Trung Bính, xã Bảo Ninh, TP.Đồng Hới), thủy sản đánh bắt về bán chẳng mấy người mua. Ngoài ra, theo tìm hiểu của PV, hiện các cơ sở thu mua hải sản xa bờ đang tồn một lượng hàng lớn thu gom thời gian qua.
Từ cuối tháng 4, khi thảm họa cá chết xảy ra, ngư dân 16 xã, thị trấn ven biển của tỉnh Quảng Trị gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, nghề cá đáy gần bờ dường như đã triệt tiêu, tàu cá nằm bờ nhiều tháng liền. Họa chăng đánh được ít thì cũng không bán được vì từ lâu người dân đã “nói không” với các loại cá tầng đáy, sống gần bờ.
Đánh bắt xa bờ cũng không khá hơn. Tại TT.Cửa Việt (H.Gio Linh) và TT.Cửa Tùng (H.Vĩnh Linh, 2 địa phương có số lượng tàu cá đánh bắt xa bờ lớn nhất tỉnh Quảng Trị), ngư dân cho biết những chuyến ra khơi dài ngày của họ đã không mang về lợi ích kinh tế lớn như trước đây mà chỉ có thể là hòa hoặc lỗ vốn. “Giá nhân công, xăng dầu, đá lạnh, thực phẩm... vẫn như trước hoặc tăng hơn trong khi giá hải sản thì lại xuống thấp. Nhiều khi bán người ta không muốn mua, có lúc phải bán cho các kho lạnh... Nhưng gần đây cũng không bán được vì các chủ vựa cá cũng sợ không dám “ôm” hàng nữa rồi”, ngư dân Bùi Đình Sanh (TT.Cửa Việt) cho biết.
Đáng lưu ý, hiện tại chợ Đông Hà (chợ lớn nhất tỉnh Quảng Trị), số tiểu thương tại hàng cá đã giảm đến hơn 50%. Theo ban quản lý chợ, do người tiêu dùng quay lưng với cá, việc buôn bán quá ế ẩm nên các tiểu thương đành phải bỏ việc hoặc chuyển sang bán thứ khác. Thậm chí, ban quản lý chợ đã tìm cách miễn giảm phí thuê mặt bằng cho các tiểu thương bán cá nhưng cũng không thể giữ chân được họ....
Vẫn xem xét cho Formosa xả thải ra biển
Trong diễn biến khác, chiều 8.9, Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và các đơn vị liên quan, bàn phương án giám sát Formosa thực hiện cam kết bảo vệ môi trường.
Ông Trần Nam Hồng, Phó bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, thông tin trước đây cơ quan chức năng đề nghị Formosa xả thải ra sông Quyền. Tuy nhiên, sau đó Formosa có văn bản xin không xả ra sông Quyền vì không đảm bảo môi trường và xin xả ra biển. “Đề nghị này của Formosa lúc đó đã có vấn đề”, ông Hồng nhận xét và cho rằng Bộ TN-MT nên xem xét, đánh giá lại có nên cho Formosa xả thải ngầm dưới biển nữa hay không. Đồng thời, ông Hồng lưu ý việc có nên cho Formosa tăng công suất lên 15 triệu hoặc 22 triệu tấn/năm hay chỉ nên cho giữ ở mức 7,5 triệu tấn/năm để đảm bảo môi trường.
Ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, đặt vấn đề: “Formosa tồn tại 70 năm, nếu không kiểm soát được thì người Hà Tĩnh và người dân tỉnh khác không thể chịu đựng nổi. Chúng tôi đề nghị Bộ TN-MT phối hợp với tỉnh giám sát Formosa, yêu cầu họ khắc phục 58 lỗi vi phạm theo đúng tiêu chuẩn quốc tế quy định”, ông Sơn nói.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết đến nay Formosa mới khắc phục 37/58 lỗi, nhưng 21 lỗi còn lại là rất khó khăn. “Khi nào Formosa khắc phục được hết các lỗi thì mới được phép vận hành”, ông Hà nói.
Về ống xả thải của Formosa chôn ngầm dưới đáy biển, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng việc xả thải ra biển ở nhiều nước trên thế giới áp dụng, trong đó có Nhật Bản. Quan trọng là nước thải ra biển có đảm bảo sạch hay không. Do vậy, ông Hà yêu cầu Formosa phải xây hồ sinh học để giám sát, đánh giá chất lượng nước thải trước khi xả ra biển, phải thả cá trong hồ này và cá phải sống được.
Tuy vậy, theo ông Hà việc xả thải ra sông Quyền nếu có lợi hơn cho môi trường, dễ kiểm soát hơn thì chúng ta phải thương lượng về mặt pháp lý với Formosa. Tuy nhiên, việc xả thải này phải được tính toán trên cơ sở khoa học. Về chất thải rắn, công nghiệp và nguy hại của Formosa, phải có biện pháp giám sát, xử lý triệt để. “Nếu chúng ta không giám sát kỹ các loại chất thải, khí thải, các loại chất độc này bốc hơi bay lên trời rồi theo mưa trôi xuống, hậu quả chúng ta lại phải gánh chịu”, ông Hà nói.
Sáng cùng ngày, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã đến kiểm tra việc thực hiện cam kết bảo vệ môi trường của Formosa. Bộ trưởng Hà yêu cầu Formosa phải tập trung kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nguồn thải.
Formosa tồn đọng lượng lớn chất thải
Theo báo cáo tại cuộc họp, hiện bình quân mỗi ngày Nhà máy Formosa thải ra từ 200 - 220 tấn chất thải các loại, trong đó có 2,2 tấn chất thải công nghiệp là bùn thải và 3 - 3,5 tấn chất thải nguy hại. Tính đến ngày 4.9, tại Formosa còn tồn đọng một lượng chất thải lớn, gồm 19,12 tấn chất thải sinh hoạt, 354,8 tấn bùn thải, 33.529 tấn tro bay, 5.254 tấn thạch cao, 4.081 tấn xỉ đáy lò, 1.624,2 tấn chất thải công nghiệp và 62,3 tấn chất thải nguy hại (ảnh).
|
Nguồn: thanhnien.vn
TIN TỨC CHUNG
Leave a reply
Your email address will not be published. Required fields are marked *
Tin tức