Môi trường

Nhức nhối môi trường các khu công nghiệp

1486
 
Nhà máy xử lý nước thải công nghiệp. Ảnh: Hoàng Minh
 
Với gần 300 khu công nghiệp (KCN), tập trung nhiều ở các vùng đồng bằng, ven biển, chiếm khá nhiều đất đai giành cho các ngành kinh tế khác thì việc phát triển thế nào để đảm bảo trong sạch về môi trường, hiệu quả về kinh tế, ổn định về an sinh là điều cần tính tới. Một trong những giải pháp để đảm bảo trong sạch về môi trường là có hệ thống pháp luật phù hợp.
 

Vì sao môi trường KCN vẫn là vấn đề nhức nhối hiện nay? Và đâu là giải pháp căn cơ cho vấn đề này. BáoTài nguyên và Môi trường đã trao đổi với ông Hoàng Dương Tùng (ảnh), Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường để tìm hiểu cặn kẽ.

*PV: Thưa ông, chúng ta đã có những văn bản pháp luật nào buộc các khu công nghiệp phải thực hiện các nghĩa vụ về môi trường. Theo ông, hệ thống văn bản này đã đủ mạnh chưa?

Ông Hoàng Dương Tùng: Luật Bảo vệ môi trường 2014 đã có riêng 1 Điều (Điều 66) quy định về bảo vệ môi trường đối với các KCN. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy định, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của Luật. Quy định bảo vệ môi trường đối với khu công nghiệp được quy định tại một số văn bản chính, gồm có: Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu; Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 6/8/2014 về thoát nước và xử lý nước thải;  Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ TN&MT về bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

Các văn bản trên quy định rõ từ công tác lập quy hoạch xây dựng KCN, yêu cầu hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường (BVMT) KCN cho tới việc quản lý và vận hành các công trình bảo vệ môi trường của KCN trong quá trình hoạt động, việc quản lý nước thải, khí thải, chất thải rắn phát sinh từ các cơ sở trong KCN; phân định cụ thể trách nhiệm của các bên trong công tác bảo vệ môi trường KCN (giữa Ban quản lý các KCN của địa phương, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN và chủ các cơ sở hoạt động trong KCN).

Nhìn chung, hệ thống văn bản quy định đối với công tác bảo vệ môi trường KCN đã tương đối hoàn thiện, quy định rõ trách nhiệm của các bên trong công tác quản lý; trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp và chủ cơ sở trong khu công nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường.

*PV: Hệ thống văn bản pháp luật đã có nhưng ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp ngày càng gia tăng. Vậy nguyên nhân có phải do ý thức thực thi pháp luật của DN cũng như trách nhiệm giám sát, thanh kiểm tra của các cơ quan quản lý Nhà nước còn chưa thực sự tốt, thưa ông?

Ông Hoàng Dương Tùng: Trong những năm vừa qua, BVMT KCN luôn là vấn đề nóng, được xã hội quan tâm. Với tốc độ phát triển kinh tế nhanh hiện nay, số lượng các khu công nghiệp được thành lập để thực hiện thu hút các dự án đầu tư công nghiệp đang ngày càng gia tăng. Điều này đã tạo thêm nhiều áp lực cho môi trường. Các quy định về bảo vệ môi trường được ban hành đã góp phần cải thiện đáng kể công tác bảo vệ môi trường các khu công nghiệp. Tuy vậy, hiện nay một số khu công nghiệp thực hiện chưa tốt công tác bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động, làm ảnh hưởng xấu tới cộng đồng dân cư xung quanh. Theo tôi, tình trạng ô nhiễm môi trường các khu công nghiệp do một số nguyên nhân chính sau đây:

Việc quy hoạch phát triển các KCN tại một số địa phương còn thực hiện tràn lan trong khi khả năng thu hút đầu tư thấp, năng lực tài chính xây dựng kết cấu hạ tầng hạn chế, các KCN chưa ưu tiên đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường. Một số KCN mặc dù có tỷ lệ lấp đầy cao nhưng vẫn chưa đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung.

Các chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm BVMT theo quy định của pháp luật. Nhận thức về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất kinh doanh trong KCN còn hạn chế, nhiều chủ cơ sở hiểu chưa rõ, chưa chính xác và thậm chí không cập nhật các quy định của pháp luật hiện hành trong công tác BVMT.

Nhiều doanh nghiệp trong KCN đã tiến hành lập ĐTM, cam kết bảo vệ môi trường và đề án bảo vệ môi trường nhưng chưa thực hiện đúng và đẩy đủ các nội dung trong giấy phép đã được phê duyệt.

Ban quản lý các KKT, KCN ở một số địa phương chưa quan tâm đúng mức và đầy đủ về tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Hầu hết Ban quản lý các KKT, KCN mới chỉ tập trung vào những vấn đề thu hút đầu tư, chưa quan tâm đến công tác quản lý môi trường KCN.

Công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm bảo vệ môi trường KCN còn chưa hiệu quả. Một số cơ quan quản lý ở địa phương chưa đôn đốc, kiểm tra thường xuyên việc xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường tại các KCN.

Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến lĩnh vực môi trường của các cơ quan quản lý đến các chủ đầu tư, chủ cơ sở sản xuất và các doanh nghiệp trong KCN còn nhiều hạn chế và chưa mang lại hiệu quả.

*PV: Thời gian gần đây xảy ra nhiều sự cố môi trường có liên quan đến việc xả thải trái phép hoặc xả thải trực tiếp không qua xử lý ra môi trường. Theo ông, giải pháp nào để kiểm soát việc xả thải nói riêng và việc bảo vệ môi trường nói chung ở các khu công nghiệp?

Ông Hoàng Dương Tùng: Để tăng cường công tác bảo vệ môi trường nói chung và kiểm soát việc xả thải từ KCN nói riêng, theo tôi cần phải tiến hành một số giải pháp sau đây:

Cần thực hiện việc rà soát, đánh giá tổng thể về tác động môi trường của việc phát triển các khu công nghiệp hiện nay, từ đó xem xét việc điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN cho phù hợp.

Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường nhằm nhận dạng, dự báo các tác động tới môi trường có thể xảy ra từ các dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp; kiên quyết không phê duyệt đối với những dự án sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu có nguy cơ cao gây tác động xấu tới môi trường.

Tăng cường giám sát, đảm bảo các dự án phải được xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường trước khi đi vào vận hành chính thức theo đúng quy định. Kiên quyết yêu cầu các KCN mới thành lập phải thực hiện đúng quy định pháp luật, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường trước khi đi vào hoạt động. Đối với các KCN hiện nay đã đi vào hoạt động nhưng chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, cần có biện pháp kiên quyết để yêu cầu các chủ đầu tư KCN này hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường (ví dụ: không cho phép thu hút các dự án đầu tư vào KCN hoặc thực hiện thủ tục mở rộng KCN khi chưa hoàn thành hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường).

Các cơ quan quản lý môi trường từ Trung ương đến địa phương cần giám sát chặt chẽ việc thu hút đầu tư các ngành nghề phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt để giảm thiểu rủi ro trong quá trình thiết kế, thi công và vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường tại các KCN, tập trung vào công tác giám sát việc vận hành các công trình, thiết bị bảo vệ môi trường tại các KCN.

Tổ chức các đợt tập huấn, nâng cao năng lực trong việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường cho các cơ quan quản lý tại địa phương; nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường KCN cho chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nằm trong KCN.

Tăng cường vai trò giám sát của cộng đồng trong công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường KCN, xây dựng cơ chế huy động sự tham gia của cộng đồng trong việc giám sát xả thải của các KCN.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: monre.gov.vn

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Thông tin

Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ.

Địa chỉ: 660 Trưng Nữ Vương - Quận Hải Châu – Đà Nẵng

Điện thoại: 0236 3 618630 - Fax: 02363 618139

Email: webmaster@kttvttb.vn