Biến đổi khí hậu

Đồng bằng sông Cửu Long: Phát triển năng lượng tái tạo - cơ hội ứng phó BĐKH

1882
 
Nhà máy điện gió Bạc Liêu - dự án kinh tế động lực ở ĐBSCL
 
Theo PGS. TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ), các yếu tố bất lợi về khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như: sự gia tăng nhiệt độ đáng kể, mùa nắng kéo dài hơn, nước biển dâng và sóng biển mạnh hơn, gió mùa Tây Nam và Đông Bắc mạnh dần lên trong tương lai… có tiềm năng trở thành lợi thế cho các dự án phát triển năng lượng tái tạo.
 

Thảo luận tại Chương trình “Tuần lễ năng lượng tái tạo 2016” vừa diễn ra ở TP Cần Thơ, nhiều chuyên gia đánh giá, vùng ĐBSCL có tiềm năng lớn nhất cả nước về năng lượng mặt trời, gió, sinh khối… và nhấn mạnh khả năng chuyển hóa nguy cơ thành cơ hội đối với khu vực này trong vấn đề ứng phó BĐKH.

Theo đó, ĐBSCL có khí hậu gió mùa, nóng và ẩm với 2 mùa rõ rệt. Mỗi năm, vùng đồng bằng này nhận trung bình 2.200 - 2.500 giờ nắng, với năng lượng bức xạ mặt trời trung bình ngày 4,3 - 4,9 kWh/m2. Tiềm năng khai thác năng lượng ánh sáng rõ ràng rất lớn. Ước tính cứ 1m2 lắp đặt các tấm pin mặt trời có thể thu 5 kWh điện mỗi ngày. Nguồn chiếu sáng này rất ổn định, với hơn 90% số ngày trong năm đều nhận được ánh sáng mặt trời đủ mạnh để vận hành các tấm thu năng lượng mặt trời.

ĐBSCL còn là khu vực bán đảo thấp và phẳng, có đường bờ biển và các hải đảo có tổng chiều dài xấp xỉ 700 km, vùng đặc quyền kinh tế biển rộng đến 360.000 km2, rộng gấp 10 lần diện tích đất liền nội địa. Với thuận lợi về địa hình và điều kiện gió biển ven bờ mạnh khoảng 5,5 - 6 m/giây ở độ cao 80 m (chiều cao các cột điện gió hiện đã lắp đặt ở Bạc Liêu), tiềm năng khai thác năng lượng gió ven bờ biển có thể đạt từ 1.200 - 1.500 MW. Chưa kể năng lượng sóng biển, năng lượng thủy triều, năng lượng sinh khối đều rất dồi dào ở ĐBSCL mà địa phương chưa có điều kiện đầu tư khai thác.

Đặc biệt, ĐBSCL có tiềm năng điện sinh khối nhờ phụ phẩm nông nghiệp dồi dào như rơm rạ, cám, trấu, bã mía, phân gia súc... Thống kê của Viện năng lượng cho biết, khả năng thu gom phụ phẩm nông nghiệp của vùng ĐBSCL vào khoảng trên 23 triệu tấn/năm, trong đó có khoảng trên 3,8 triệu tấn trấu, gần 17 triệu tấn rơm rạ, hơn 372.000 tấn bắp; gần 1,4 triệu tấn bã mía… Nguồn nguyên liệu khổng lồ này hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu sản xuất điện sinh khối.

Theo TS. Nguyễn Thăng Long, Điều phối viên dự án Hỗ trợ mở rộng quy mô điện gió tại Việt Nam tính toán: Nguồn năng lượng gió ở nước ta có thể đạt công suất lắp đặt 24 GW/năm, nguồn năng lượng mặt trời lên tới 130 GW/năm. Sản xuất điện nhiệt có công suất tương đối nhỏ nhưng hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu dân sinh.

“Công nghệ năng lượng tái tạo giờ không đắt đỏ như trước, việc chuyển giao công nghệ giữa các nước tạo điều kiện để Việt Nam, trong đó có ĐBSCL có thể tiếp cận được với các công nghệ tiên tiến trên thế giới để thực hiện lộ trình sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Do đó, về mặt kỹ thuật, chúng ta hoàn toàn có thể tiến tới sử dụng 100% năng lượng tái tạo”, ông Long nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, PGS. TS Lê Anh Tuấn khẳng định: Con đường phát triển năng lượng tái tạo từ các nguồn điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, điện thủy triều, điện sóng biển, điện địa nhiệt là phương án “không hối tiếc”, bởi nó ổn định lâu dài, không phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu từ nước ngoài, rất ít gây ô nhiễm và đặc biệt là giá thành sẽ rẻ dần. Đây là lựa chọn phù hợp với giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào điều kiện sinh thái ở vùng ĐBSCL.

Các chuyên gia nhận định, ĐBSCL nên phát triển năng lượng tái tạo vì đây là những thế mạnh sẵn có của vùng. Ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên Chuyên trách Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho rằng: ĐBSCL cần tập trung sử dụng năng lượng tái tạo trong 2 lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản. Quá trình sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản nếu được áp dụng các mô hình tái tạo năng lượng sẽ giảm thiểu rất lớn các tác động tiêu cực lên môi trường, đặc biệt là tận dụng được các phế phụ phẩm rơm, rạ, phân chuồng, bùn ao nuôi...

Bên cạnh đó, ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, giảm thiểu phát thải khí nhà kính chắc chắn sẽ được sự ủng hộ của cộng đồng thế giới, tăng uy tín Chính phủ và dễ dàng tiếp cận những định chế tài chính quốc tế với nhiều ưu đãi, hỗ trợ.

Nguồn: monre.gov.vn

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Thông tin

Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ.

Địa chỉ: 660 Trưng Nữ Vương - Quận Hải Châu – Đà Nẵng

Điện thoại: 0236 3 618630 - Fax: 02363 618139

Email: webmaster@kttvttb.vn