Khí tượng

Năm nay bão và áp thấp nhiệt đới sẽ kết thúc muộn

2187
Nhận định về khí hậu Việt Nam trong những tháng cuối năm (từ tháng 9-12/2016), Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương-tiến sỹ Hoàng Đức Cường cho biết khả năng bão và áp thấp nhiệt đới sẽ kết thúc muộn, gió mùa Đông Bắc hoạt động sớm, mưa lũ xuất hiện với tần suất cao hơn năm 2015 trên khu vực miền Trung trong những tháng cuối năm này.
Đặc biệt, các phân tích và dự báo mới nhất cho thấy khả năng bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông sẽ ít hơn trung bình nhiều năm (khoảng 12-13 cơn/năm). Nhưng sẽ còn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam khoảng 3-4 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trong những tháng cuối năm, tập trung trên khu vực giữa và Nam Biển Đông và các tỉnh từ Trung Bộ trở vào phía Nam – theo VietnamPlus.


Từ tháng 9-12, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Nửa đầu tháng 9 nắng nóng sẽ còn xảy ra ở khu vực Trung Trung Bộ và phía Bắc của Nam Trung Bộ, song phạm vi sẽ thu hẹp dần, cường độ giảm hơn và không kéo dài. Lượng mưa tại khu vực Bắc Bộ trong các tháng 9 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 5-15% (các đợt mưa lớn sẽ còn xuất hiện trong tháng 9); các tháng 10 và 11 ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 5-15%, tháng 12 có thể thiếu hụt từ 20-40%.

Giá xử lý rác của Đa Phước khiến TP HCM 'mất' 48 tỷ mỗi năm

Nằm biệt lập như một cù lao tại huyện Bình Chánh, cách trung tâm TP HCM gần 20 km, Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn Đa Phước (bãi rác Đa Phước) do Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (Vietnam Waste Solutions - VWS) làm chủ đầu tư. Nó vốn được quy hoạch làm khu dự trữ chiến lược và chỉ xử lý rác cho vùng Nam Sài Gòn với công suất nhỏ. Tuy nhiên, hiện Đa Phước xử lý đến 5.000 tấn một ngày, chiếm khoảng 70% lượng rác của thành phố - theo VnExpress.

Lúc đầu, TP HCM chi trả 16,4 USD cho VWS xử lý một tấn rác, sau tăng lên hơn 19 USD, đến cuối năm 2014 là 20,166 USD và hiện là 21,1 USD. Với mức giá này, TP HCM đang thanh toán cho VWS cao hơn khoảng 3 USD mỗi tấn so với doanh nghiệp khác. Trong kết luận của Thanh tra TP HCM hồi cuối tháng 1, giá xử lý rác tại Đa Phước cao hơn tất cả các đơn vị khác. Trong đó, cùng là công nghệ chôn lấp nhưng thành phố áp dụng giá xử lý một tấn rác với VWS cao hơn 67.384 đồng so với Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị thành phố. Với đơn giá này, ngân sách thành phố phải chi thêm khoảng 48 tỷ đồng mỗi năm.

Sơn La thu phí bảo vệ môi trường khi khai thác khoáng sản

HĐND tỉnh Sơn La vừa ban hành Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND quy định về phí bảo vệ môi trường với khai thác khoáng sản trên địa bàn. Theo đó, từ ngày 15/8/2016, quặng khoáng sản kim loại như quặng sắt có mức phí 50.000 đồng/tấn; quặng titan có mức phí 55.000 đồng/tấn; quặng vàng, bạc, thiếc, chì, kẽm có mức thu phí 215.000 đồng/tấn...

Mức thu phí trên được áp dụng với các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản. Toàn bộ số tiền phí này được dùng để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản – theo Baodauthau.  

60% lượng nước ngầm ở Nam Á bị ô nhiễm

Nghiên cứu mới trên Nature Geoscience đã cho thấy hơn một nửa lượng nước ngầm ở khu vực nam Á bị nhiễm mặn hoặc asen. Hơn một nửa lượng nước ngầm ở khu vực lưu vực sông Ấn – Hằng, nơi cung cấp nước ngọt cho hơn 750 triệu người ở các nước Pakistan, Ấn Độ, Nepal và Bangladesh bị ô nhiễm tới mức không nên dùng để uống hoặc để tưới tiêu trong nông nghiệp, nghiên cứu này khuyến cáo. “Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là nguồn nước bị nhiễm mặn và asen”, nhóm tác giả cho biết. Ở độ sâu lên tới khoảng 200m, có tới 23% tổng lượng nước ngầm quá mặn, và khoảng 37% lượng nước ngầm nhiễm asen với nồng độ độc hại vượt mức cho phép.

Tình trạng nhiễm mặn và asen ở lưu vực sông Ấn – Hằng có nguyên nhân do sự tác động từ con người và tự nhiên, trong đó bao gồm cả hậu quả từ các hoạt động tưới tiêu trong nông nghiệp vốn được quản lý kém. Asen vốn sẵn có trong tự nhiên, nhưng nay mức độ ô nhiễm hóa chất này ngày càng tăng cao do quá trình sử dụng phân bón trong nông nghiệp và khai thác mỏ cho sản xuất công nghiệp. Báo cáo trên cũng cho thấy tình trạng nhiễm độc do asen trong nước uống đang là vấn đề rất đáng lo ngại ở khu vực các nước Nam Á này – theo Tia Sáng.

Không khí ô nhiễm có thể là nguyên nhân gây bệnh Alzheimer

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Lancaster đã tiết lộ một thực tế không mấy dễ chịu: Những hạt nhỏ li ti từ khí thải mà con người hít phải có thể xâm nhập đến não. Các nhà khoa học lưu ý rằng chúng có thể góp phần gây ra bệnh Alzheimer.  Sắt hiện diện trong cơ thể của người dưới nhiều hình thức khác nhau và là một phần của nhiều phân tử sinh học. Thông thường nó không có hại. Trong khi đó, một trong các định dạng của sắt, được gọi là magnetite hoặc sắt oxit có hoạt tính cao và có từ tính. Do sự hiện diện của hình thức này trong cơ thể, như dự kiến có liên quan với sự phát triển của bệnh Alzheimer – theo Tintuc.

Nhóm khoa học do bà Barbara Maher dẫn đầu từ Đại học Lancaster đã nghiên cứu não của 37 người đã chết, những người đã từng sống ở Manchester ở Anh, hoặc ở Mexico City, thủ đô của Mexico. Cần lưu ý rằng lứa tuổi của những người đó từ 3 đến 92. Các chuyên viên phát hiện trong các mô não có một số lượng lớn các hạt nano sắt từ. "Các hạt mà chúng tôi tìm thấy rất giống với những hạt nano sắt từ có rất nhiều trong không khí bị ô nhiễm, đặc biệt là gần những con đường nhộn nhịp nhất", bà Maher cho biết. Các nhà khoa học cũng đã phát hiện ra rằng, trong não có chứa các hạt nano kim loại thường có mặt trong các động cơ xe, nhưng hiếm gặp ở người. Ở đây đang nói về platin, niken và coban.

Nguồn: moitruong.com.vn

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Thông tin

Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ.

Địa chỉ: 660 Trưng Nữ Vương - Quận Hải Châu – Đà Nẵng

Điện thoại: 0236 3 618630 - Fax: 02363 618139

Email: webmaster@kttvttb.vn