Kinh tế - Chính trị - Văn hóa - Xã hội

Cảnh báo sưởi ấm bằng than khi mùa đông về

1920

Vào mùa đông, thời tiết lạnh giá, không phải gia đình nào cũng có điều kiện để sử dụng điều hòa, máy sưởi, quạt sưởi. Những hộ gia đình có thu nhập trung bình, thấp hoặc ở một số xưởng máy, xí nghiệp thường tìm đến biện pháp làm ấm nhà cửa, phòng bằng than, than gỗ, than củi hoặc than tổ ong. Tuy nhiên, cách làm này đã được khuyến cáo rất nhiều lần là sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, thậm chí tử vong.

Mất mạng, bỏng nặng vì sưởi bằng than

 
Than tổ ong vô cùng độc hại khi dùng đun nấu và sưởi ấm
 
Giữa tháng 2/2014, một gia đình ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa do ngạt khí than phải vào viện, con gái nhỏ đã không qua khỏi. Người chồng trong tình trạng hôn mê rất sâu còn người vợ đã qua cơn nguy kịch.

Đầu năm 2011, ở Can Lộc, Hà Tĩnh, 3 mẹ con ở trong phòng, đốt than củi để sưởi ấm đã bị tử vong. Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, người chồng mới phát hiện ra thì quá muộn.

Một trường hợp ở Nam Đàn, Nghệ An, người mẹ bé con 1 tháng tuổi trong phòng dùng than hoa sưởi ấm, mẹ bị ngộ độc khí ngất đi và đánh rơi con vào chậu than và bé bị bỏng nặng.

Biến chứng nguy hiểm khi ngộ độc khí

Hàng năm, có hàng trăm trường hợp phải nhập viện cấp cứu, thủ phạm là khí độc CO. Có người may mắn sống sót nhưng không ít nạn nhân tử vong, hoặc rơi vào trạng thái hôn mê sâu, sống như người thực vật.

Khi dùng than để sưởi ấm trong phòng sẽ đặc biệt nguy hiểm, nhất là trong phòng kín. Khí oxy bị tiêu thụ nhiều để đốt cháy và khí CO và CO2 thoát ra vô cùng độc hại nếu hít phải. Ngạt khí, máu không thể lên não sẽ dẫn đến bất tỉnh hoặc chết người.
 
Đun nấu trong nhà rất dễ bị ngộ độc khí than
 
Khí CO thoát ra trong quá trình đốt than không màu, không mùi nên nhiều người không biết, dần cảm thấy khó thở rồi ngất đi, hoặc lịm đi ngay khi đang ngủ. Nếu không có người phát hiện sớm sẽ tử vong.

Cho dù không bị ngộ độc khí thì cũng dễ mắc các bệnh hô hấp như hen, viêm phế quản, viêm phổi, suy tim mạch, tổn thương não, mất trí nhớ, thoái hóa não, trí tuệ sa sút, mất khả năng làm việc… Khi bị ngộ độc khí CO, các biến chứng có thể xảy ra là tràn khí vào màng phổi, màng bụng, trung thất, dưới da, hẹp khí quản…

Phương pháp sưởi ấm này đặc biệt nguy hiểm với người già và trẻ nhỏ, những người hệ hô hấp yếu hoặc chưa hoàn thiện.
Ngoài ra, khi đặt than trong nhà, phòng để sưởi cũng có thể gây hỏa hoạn hoặc bỏng nặng do va phải chậu than hoặc có vật bắt lửa.

Làm gì khi bị ngộ độc khí than?

Biểu hiện:
Người bị ngộ độc khí sẽ có các biểu hiện như chảy nước mắt, ho, khó thở, thở khò khè do nhiều khói xung quanh. Ở mức độ nhẹ, nạn nhân cảm thấy đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, thở dốc, đứng dậy bị choáng váng. Nặng hơn là các biểu hiện trên dữ dội hơn, mất tỉnh táo, nói lung tung do thần kinh rối loạn, sau đó ngất xỉu.
 
Ngọn lửa sưởi ấm, nhưng cũng có thể là kẻ giết người
 
Thông thường, người ngộ độc khí được tìm thấy trong trạng thái nằm bất tỉnh trong phòng, trên sàn. Vì thế, nếu phát hiện thì cần phải nhanh chóng giúp họ để tránh tình huống xấu xảy ra.

Xử lý:

Nếu thấy người nằm bất tỉnh mà trong phòng hoặc xung quanh có bếp, chậu than củi thì ngay lập tức phải mở tất cả các cửa để không khí tràn vào pha loãng khí CO đang có nồng độ cao trong phòng.

Đưa nạn nhân ra ngay khỏi khu vực khí độc. Nếu có thể, hãy cho nạn nhân thở oxy 100% ngay trong lúc chờ, đưa đi cấp cứu.

Lưu ý khi dùng than:
- Tuyệt đối không dùng than để sưởi ấm trong phòng kín.

- Trong nhà có người già và trẻ nhỏ thì không được dùng biện pháp này.

- Nếu thời tiết quá lạnh và buộc phải sử dụng thì chỉ dùng tối đa 1 tiếng, sau đó phải tắt đi, đủ để làm ấm phòng.

- Không dùng qua đêm hay đặt ngay dưới gầm giường, gần những chỗ dễ bắt lửa, cửa ra vào.

- Khi sử dụng phải có lối để thoát khí như mở hé cửa sổ.

- Thiết kế ống khói, cột khói trong bếp.

- Sử dụng các loại than sinh nhiệt an toàn.

Nguồn: moitruong.com.vn

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Thông tin

Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ.

Địa chỉ: 660 Trưng Nữ Vương - Quận Hải Châu – Đà Nẵng

Điện thoại: 0236 3 618630 - Fax: 02363 618139

Email: webmaster@kttvttb.vn