Kinh tế - Chính trị - Văn hóa - Xã hội

Điện cho miền Nam có thể căng thẳng hơn

1598
Báo cáo với tổ công tác của Thủ tướng, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho hay điện cho miền Nam có thể căng thẳng hơn vì dự án cảng trung chuyển than đang đứng trước nguy cơ bị tỉnh Trà Vinh từ chối.
 
Bỏ ngỏ địa điểm
Câu chuyện về thúc đẩy tiến độ cho dự án cảng trung chuyển than để cung cấp cho các nhà máy điện tại ĐBSCL và miền Nam là một trong những vấn đề nhận được nhiều ý kiến nhất tại buổi làm việc của tổ công tác của Thủ tướng với Bộ Công thương ngày 14.11.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, đây là một trong 13 nhiệm vụ quá hạn mà lãnh đạo Chính phủ đã giao cho Bộ Công thương phải hoàn thành. Cùng với đó, trong 8 vấn đề mà Thủ tướng muốn người phát ngôn Chính phủ truyền đạt tới lãnh đạo ngành công thương tại chuyến kiểm tra này thì câu chuyện chiến lược phát triển năng lượng để miền Nam không thiếu điện trong vài ba năm tới là điều người đứng đầu Chính phủ rất quan tâm.
Báo cáo với đoàn công tác, ông Đặng Huy Cường, Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương), cho biết, ngay từ tháng 5, Bộ cùng chủ đầu tư là Tập đoàn than khoáng sản (TKV) đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu dự án nhưng vướng mắc hiện nay nằm ở chỗ địa điểm dự kiến đặt ở TX.Duyên Hải (ngay trung tâm nhiệt điện Duyên Hải) vẫn chưa được tỉnh Trà Vinh chấp thuận với lo ngại về nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Tháng 9.2016, tại buổi làm việc với các bên liên quan, lãnh đạo Chính phủ đã yêu cầu chủ đầu tư tổ chức đoàn tham quan các cảng tương tự trên thế giới, mời lãnh đạo tỉnh, người dân địa phương lẫn truyền thông tham gia để có cái nhìn khách quan, đúng đắn, từ đó đồng thuận với dự án. Theo ông Cường, TKV cho biết trong tháng này sẽ tổ chức các chuyến thực tế chia sẻ kinh nghiệm trong vấn đề đảm bảo môi trường. “Căn cứ ý kiến của đoàn khảo sát sau chuyến đi, Bộ Công thương mới báo cáo lại Chính phủ tiến độ hay những vướng mắc, dự kiến trong quý 1 năm sau”, ông Cường nói.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tỏ ra rất âu lo vì theo lời lãnh đạo tỉnh thì chủ trương này đã được xin ý kiến nhân dân lẫn trong Thường trực Tỉnh ủy song không được đồng thuận. “Cho nên, ngay thời hạn tháng 2.2017 chúng tôi cũng rất lo vì không có gì đảm bảo đoàn khảo sát đi tham quan về sẽ đồng ý. Trong khi nếu thay đổi địa điểm rất phức tạp bởi các cửa sông hiện đã bị bồi lấp nhiều. Nếu không sớm có cảng thì sẽ không đảm bảo tiến độ các dự án nhiệt điện than trong khu vực”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.
 
 
 
Điện cho miền Nam có thể căng thẳng hơn - ảnh 1
Việc nhập than là cần thiết vì kinh tế thị trường thì doanh nghiệp luôn chọn nguồn hàng giá rẻ, chất lượng. Song Bộ chủ quản, TKV cũng phải có phương án để giải quyết lượng than tồn kho trong nước hiện lên đến 12 triệu tấn
Điện cho miền Nam có thể căng thẳng hơn - ảnh 2
 
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng
 
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, việc đảm bảo nguồn điện cho miền Nam là vấn đề cấp bách, được Chính phủ đặc biệt quan tâm và phải thừa nhận vai trò của nhiệt điện than tới đây còn rất lớn. “Trong vài năm tới, mỗi năm cần nhập khẩu 30 - 50 triệu tấn than mà không có cảng trung chuyển thì có vấn đề. Do vậy, nếu Bộ và địa phương tới đây không thống nhất được thì sẽ báo cáo để Thủ tướng chủ trì giải quyết”, Bộ trưởng nói.
Ông Dũng cũng lưu ý, việc nhập than là cần thiết vì kinh tế thị trường thì doanh nghiệp luôn chọn nguồn hàng giá rẻ, chất lượng. Song Bộ chủ quản, TKV cũng phải có phương án để giải quyết lượng than tồn kho trong nước hiện lên đến 12 triệu tấn. Cùng với đó, phải kiểm soát tốt công nghệ, môi trường của các nhà máy để tránh những thiệt hại cũng như xử lý sớm các băn khoăn của người dân địa phương như từng xảy ra trong quá khứ với nhiệt điện Vĩnh Tân.
Không có chuyện lái xe đi làm tham tán
Một vấn đề khác cũng được nhiều thành viên tổ công tác lưu ý Bộ Công thương là vấn đề tái cơ cấu bộ máy cồng kềnh, bổ nhiệm luân chuyển cán bộ. Lấy ví dụ trước thông tin phản ánh có lái xe được cử đi làm tham tán thương mại, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị ngành công thương làm rõ, tránh tình trạng cán bộ ra nước ngoài làm việc tư nhiều hơn việc công.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa thì lưu ý về tình trạng bộ máy cồng kềnh với hàng chục viện nghiên cứu, trường học hay tình trạng quy hoạch, điều động cán bộ không làm theo hướng dẫn. “Hoặc việc có đến mấy vụ làm công tác thị trường trong khi quy mô nền kinh tế không phải là lớn”, ông Thừa nói.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận trong công tác cán bộ, việc quy hoạch, tổ chức thực hiện, điều động tiếp nhận trên thực tế có nhiều trường hợp chứng minh ngành chưa làm tốt song đây chỉ là cá biệt chứ không phải mẫu số chung, trong đó có nhiều vấn đề “là câu chuyện của lịch sử”.
Lãnh đạo Bộ Công thương dẫn chứng, như số lượng 32 trường cao đẳng - đại học, 15 viện nghiên cứu là vì ngành công thương hợp nhất từ 8 bộ (công nghiệp, thương mại, năng lượng…) và nhiều đơn vị trước đó thuộc các tập đoàn kinh tế. “Chúng tôi không hề muốn là Bộ Giáo dục thứ 2 nhưng không dễ gì giải tán trường được. Chúng tôi sẵn sàng xã hội hóa, tạo cơ chế tự chủ không có bộ chủ quản hay chuyển giao về địa phương hoặc bộ khác”, ông Tuấn Anh nói đồng thời cam kết sẽ tái cơ cấu bộ máy thực chất và nhấn mạnh “sẽ đi đầu so với các bộ ngành về tái cơ cấu”. Về việc cử lái xe làm tham tán, Bộ trưởng Công thương khẳng định “có thể có ở đâu đó nhưng tại bộ này thì không”.
Phải đấu thầu thoái vốn tại Sabeco, Habeco
Một vấn đề khác cũng được lãnh đạo Chính phủ thúc giục ngành công thương là chuyện thoái vốn, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước mà trước mắt là hai ông lớn ngành bia.
Ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, cho hay Habeco hiện đã niêm yết trên UPCoM, đang tiến hành thủ tục xin niêm yết tại Sàn giao dịch TP.HCM (HOSE). Còn Sabeco đã hoàn tất thủ tục niêm yết trên sàn này. Dự kiến, 2 tổng công ty sẽ hoàn thành niêm yết trước ngày 20.12 đồng thời thoái vốn xong trong năm nay với Habeco và 53% với Sabeco. Tuy nhiên, theo ông Dũng, nếu thực hiện đúng các trình tự thủ tục, nhất là đấu thầu tư vấn thì có nguy cơ lỡ tiến độ, trong khi nếu chỉ định thầu thì nhanh song tiềm ẩn rủi ro về pháp lý.
Nhắc lại lời của Thủ tướng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định dứt khoát phải đấu thầu trong cổ phần hóa các doanh nghiệp này, từ lựa chọn tư vấn xây dựng kịch bản cho đến chọn lựa nhà đầu tư. “Thủ tướng đã nói rõ Chính phủ không đi bán bia và không phải lúc lỗ, yếu mới bán mà cần bán lúc khỏe nhất mới tốt. Và với doanh nghiệp không cần nắm thì phải thoái triệt để chứ nếu mình cứ nắm cổ phần chi phối thì chẳng ai bỏ tiền cho ông điều hành cả”, Bộ trưởng bày tỏ.
Nguồn: thanhnien.vn

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Thông tin

Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ.

Địa chỉ: 660 Trưng Nữ Vương - Quận Hải Châu – Đà Nẵng

Điện thoại: 0236 3 618630 - Fax: 02363 618139

Email: webmaster@kttvttb.vn