Tập trung nguồn lực quốc gia cho các dự án có sức lan tỏa là lý do được người phát ngôn Chính phủ đưa ra để giải thích cho quyết định dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Chiều 22.11, sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết về việc dừng dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì cuộc họp báo chuyên đề của Chính phủ về vấn đề này. Đồng chủ trì còn có Bộ trưởng TT-TT Trương Minh Tuấn.
Chiều 22.11, sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết về việc dừng dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì cuộc họp báo chuyên đề của Chính phủ về vấn đề này. Đồng chủ trì còn có Bộ trưởng TT-TT Trương Minh Tuấn.
Ưu tiên nguồn lực cho các dự án cấp bách hơn
Mở đầu buổi họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay việc dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 được T.Ư Đảng, Quốc hội, Chính phủ cân nhắc rất kỹ lưỡng trên cơ sở điều kiện kinh tế của VN tại thời điểm hiện tại. Trước tiên, đó là sự thay đổi của việc cân đối các nguồn điện đã trở nên dễ dàng hơn so với 7 năm trước. “Đó là dư địa tiết kiệm điện còn tốt, khả năng mua bán điện với các nước láng giềng như Trung Quốc, Lào sẽ được tăng cường; tiềm năng sử dụng năng lượng tái tạo trở nên khả thi hơn về kinh tế”, Bộ trưởng Dũng giải thích.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, lý do chủ yếu là sau khi cân đối lại các nguồn lực phát triển kinh tế trong tình hình hiện nay, lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ thấy rằng cần ưu tiên nguồn lực cho các dự án lớn, cấp bách hơn. “Năm 2009, khi quyết định chủ trương dự án này, chúng ta chưa có chủ trương làm đường bộ cao tốc bắc - nam, đường sắt tốc độ cao, sân bay Long Thành. Cho nên, bây giờ, khi cân đối lại, chúng ta thấy cần thiết tập trung ưu tiên cho các dự án có sức lan tỏa hơn đối với sự phát triển kinh tế xã hội của cả nước”, ông Dũng nói.
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc có hay không lo ngại lý do an toàn mà phải dừng dự án, người phát ngôn Chính phủ khẳng định: “Dừng dự án không phải vì lý do công nghệ, lý do an toàn mà lý do chính là tình hình kinh tế trong điều kiện hiện nay. Công nghệ hạt nhân của Nga, Nhật Bản dự kiến được sử dụng cho hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đều là tiên tiến nhất hiện nay, có mức độ an toàn cao nên hoàn toàn yên tâm”.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ KH-CN, cho biết công nghệ lựa chọn cho hai nhà máy này đều là công nghệ thế hệ 3+, tức là công nghệ mới nhất của thế giới. “Đây là hai cường quốc về khoa học công nghệ nói chung và điện hạt nhân nói riêng nên nếu 2 dự án được triển khai thì chúng ta hoàn toàn yên tâm về mặt an toàn, công nghệ”, ông Tạc nói.
Không để thiếu điện
Liên quan đến lo ngại nguồn điện bổ sung, thay thế cho hai dự án này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết theo tính toán, từ đây đến năm 2030 cả nước sẽ được bổ sung thêm 34 dự án nguồn điện gồm nhiệt điện than, điện khí, điện gió, điện mặt trời... với tổng công suất 6.000 MW. Các dự án này khi đảm bảo tiến độ, đưa vào sử dụng thì hoàn toàn có đủ lượng điện thay thế phần thiếu hụt mà 2 nhà máy điện hạt nhân để lại.
Thứ trưởng Công thương Hoàng Quốc Vượng thông tin thêm, theo kế hoạch đến năm 2030 - khi cả 4 tổ máy của hai dự án điện hạt nhân đi vào vận hành thì tổng công suất bổ sung là 4.000 MW, chỉ chiếm 3,6% và đạt 5,7% về sản lượng điện toàn hệ thống. “Với tỷ trọng này thì vai trò hai nhà máy điện hạt nhân trong hệ thống điện quốc gia vào năm 2030 không lớn. Từ đây tới lúc đó có đủ thời gian để công suất các nhà máy năng lượng tái tạo tăng lên đáng kể, rồi nhiệt điện than, khí, khí hóa lỏng với tổng công suất bổ sung hoàn toàn đáp ứng được”, ông Vượng khẳng định.
Cũng theo ông Vượng, Bộ Công thương dưới sự chỉ đạo của Chính phủ sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác để hoàn tất các công việc dở dang trên tinh thần đảm bảo lợi ích các bên. Về những phần việc đã triển khai, như cơ sở hạ tầng, mặt bằng đã được giải phóng, ông Vượng cho hay Bộ Công thương sẽ giao cho Tập đoàn điện lực VN tiếp nhận để dùng cho dự án Thủy điện tích năng Bác Ái đang được triển khai nghiên cứu ở chính tỉnh Ninh Thuận. Trong khi đó, với hơn 400 sinh viên đang được gửi đi nước ngoài đào tạo để về làm việc trong lĩnh vực này, thì cơ hội vẫn rất rộng mở trong các hoạt động nghiên cứu năng lượng nguyên tử cho mục đích hòa bình hay để vận hành các nhà máy nhiệt điện khác.
Trả lời câu hỏi của báo chí về phản ứng của các đối tác Nga và Nhật Bản, những nhà cung cấp công nghệ cho hai dự án, người phát ngôn Chính phủ cho biết việc trao đổi với hai đối tác đã được thực hiện cùng lúc khi Chính phủ báo cáo Quốc hội cho dừng dự án. “Dù cả hai bày tỏ sự đáng tiếc với việc dừng trong bối cảnh hợp tác đã có nhiều kết quả, nhưng cơ bản đều thể hiện sự cảm thông, chia sẻ với VN do điều kiện kinh tế của chúng ta”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói đồng thời cho hay cả Liên bang Nga và Nhật Bản vẫn thể hiện mong muốn được hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác, như là kết cấu hạ tầng giao thông để thay cho việc hợp tác trong các dự án điện hạt nhân.
|
Nguồn: thanhnien.vn
TIN TỨC CHUNG
Leave a reply
Your email address will not be published. Required fields are marked *
Tin tức