TPO - Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng ông Huỳnh Đức Thơ vừa có tờ trình liên quan đến việc hợp nhất, thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND thành phố Đà Nẵng để kỳ họp thứ 9 HĐND TP khóa IX xem xét thông qua.
Sau khi hợp nhất, Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND TP Đà Nẵng sẽ có trụ sở tại Trung tâm hành chính TP (số 24 - Trần Phú - Đà Nẵng). Ảnh: Nguyễn Thành
Đà Nẵng thực hiện việc hợp nhất 3 Văn phòng nói trên theo Nghị quyết số 580 ngày 4/10/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh; Nghị quyết số 1097 ngày 22/12/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ cơ cấu tổ chức của Văn phòng đoàn ĐBQH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Nghị định số 48 ngày 27/5/2016 của Chính phủ quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Văn phòng HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…
Theo UBND thành Đà Nẵng, việc hợp nhất 3 Văn phòng để thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy, đảm bảo một đầu mối thống nhất trong công tác tham mưu tổng hợp, giúp việc, phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND thành phố; qua đó góp phần tinh giản biên chế, tiết kiệm, giảm chi thường xuyên; Cơ cấu lại bộ máy, giảm đầu mối, số lượng cấp phó, giảm số lượng phòng chuyên môn, tinh gọn bộ máy hỗ trợ, phục vụ, gián tiếp; Tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu Văn phòng giúp việc chung của Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND thành phố.
Theo đó, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND TP Đà Nẵng có Chánh Văn phòng và các Phó Chánh Văn phòng. Trong giai đoạn mới thành lập, số lượng Phó Chánh Văn phòng có thể không vượt quá số lượng Lãnh đạo Văn phòng hiện có của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND thành phố trước khi hợp nhất (số lượng lãnh đạo các Văn phòng hiện có 8 người). Sau khi thành lập và đi vào hoạt động, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND thành phố Đà Nẵng có trách nhiệm xây dựng phương án, lộ trình sắp xếp đến năm 2020 đảm bảo số lượng cấp phó theo quy định chung.
Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND thành phố điều hành công việc của Văn phòng và chịu trách nhiệm trước Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND thành phố và trước pháp luật về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng. Các Phó Chánh Văn phòng giúp Chánh Văn phòng thực hiện nhiệm vụ theo phân công của Chánh Văn phòng.
Chủ tịch UBND thành phố quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng sau khi thống nhất với Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội và Chủ tịch HĐND thành phố…
UBND TP cho biết: trên cơ sở các văn bản pháp luật quy định về tổ chức bộ máy hiện hành và thực trạng khối lượng, yêu cầu nhiệm vụ được giao hiện nay, Ban Cán sự đảng UBND thành phố thảo luận, thống nhất đề xuất sắp xếp, tổ chức lại bộ máy bên trong khi hợp nhất theo 9 phòng đã quy định tại Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 và 2 phòng theo yêu cầu, khối lượng công việc thực tế của địa phương… Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Trưởng phòng và tương đương các đơn vị thuộc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND thành phố do Chánh Văn phòng quyết định sau khi xin ý kiến của Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND thành phố và Chủ tịch UBND thành phố.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết: tổng chỉ tiêu xác định đối với Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND thành phố là 151 chỉ tiêu (123 biên chế công chức, 28 hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP, không giao lao động hành chính); giảm 30 chỉ tiêu so với số giao. Như vậy, sau khi hợp nhất sẽ giải quyết dôi dư đối với 21 người.
Nguồn: tienphong.vn
TIN TỨC CHUNG
Leave a reply
Your email address will not be published. Required fields are marked *
Tin tức