Kinh tế - Chính trị - Văn hóa - Xã hội

Lũ lụt gây thiệt hại nặng cho các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế

1681

Theo báo cáo nhanh của Chi cục phòng, chống thiên tai (PCTT) khu vực miền Trung và Tây Nguyên sáng ngày 16/10, đêm qua và sáng nay, lũ trên các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị lên nhanh, đã đạt đỉnh và đang xuống; một số tuyến đường ở Quảng Bình còn bị ngập, gây tắc đường; các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa, mưa vừa có nơi mưa to, lượng mưa phổ biến từ 10-30mm.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo công tác ứng phó lũ lụt tại tỉnh Quảng Bình
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo công tác ứng phó lũ lụt tại tỉnh Quảng Bình

Mực nước các sông miền Trung đang xuống, Quảng Bình giao thông tê liệt

Lũ thượng lưu sông Gianh, sông Kiến Giang (Quảng Bình) đang xuống. Mực nước lúc 04h ngày 16/10 trên sông Gianh tại Đồng Tâm 7,84m, trên báo động (BĐ) 1 là 0,84m; tại Mai Hóa 3,90m, trên BĐ1 là 0,90m. Sông Kiến Giang tại Lệ Thủy là 3,02m, trên BĐ3: 0,32m. Dự báo trong ngày 16/10, mưa ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình sẽ giảm nhanh. Lũ trên sông Gianh, sông Kiến Giang tiếp tục xuống. Tuy nhiên, tình trạng ngập lụt nghiêm trọng vẫn tiếp tục diễn ra tại các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) với độ sâu ngập từ 1,0 - 2,5m.

Từ 19 giờ ngày 15/10 đến 01 giờ ngày 16/10, các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa, mưa vừa có nơi mưa to, lượng mưa phổ biến từ 10-30mm; khu vực khác có mưa vài nơi, lượng mưa phổ biến dưới 10mm. Một số trạm có lượng mưa lớn như: Tam Kỳ (Quảng Nam) 60 mm, Tiên Phước (Quảng Nam) 103 mm, Giá Vực (Quảng Ngãi) 61 mm, Hoài Nhơn (Bình Định) 52 mm

Đêm qua và sáng nay, lũ trên các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị lên nhanh, đã đạt đỉnh và đang xuống. Đỉnh lũ trên một số sông như sau: Sông Kiến Giang tại Kiến Giang: 13,06m (23h/14), trên BĐ3: 0,06m; sông Kiến Giang tại Lệ Thuỷ: 3,53m (3h/15), trên BĐ3: 0,83m; sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn: 5,30m (18h/14), dưới BĐ3: 0,2m. Dự báo trong ngày 16/10, mực nước các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị tiếp tục xuống. Các sông khác trong khu vực mực nước biến đổi chậm.

Theo Báo cáo của Văn phòng BCH PCTT&TKCN, BCH BĐBP các tỉnh, thành phố từ Quảng Nam đến Khánh Hòa tính đến 6 giờ ngày 16/10/2016, đã thông báo và hướng dẫn cho tổng số 26.929 tàu/114.055 LĐ biết vị trí, hướng di chuyển của bão Sarika để chủ động phòng tránh, trong đó: Khu vực giữa QĐ Hoàng Sa - Trường Sa: 91 tàu/677 LĐ (Bình Định). Khu vực QĐ Trường Sa: 363 tàu/3.780 LĐ. Hoạt động ở khu vực khác: 4.894tàu/ 29.214 LĐ. Số tàu đã vào nơi neo đậu tại bến và hoạt động ven bờ: 5.348 tàu/ 33.671 LĐ.

Dung tích trữ trung bình của các hồ chứa thủy lợi cụ thể tại từng khu vực như sau:  Khu vực Bắc Trung bộ: Dung tích các hồ từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế tăng trung bình khoảng 20-30% so với tuần trước, cụ thể: Quảng Bình dung tích tăng 38%, Quảng Trị 20%, Thừa Thiên Huế 23%. Đặc biệt tại Quảng Bình, Quảng Trị các hồ nhỏ hầu như đầy nước, các hồ vừa và lớn hầu hết đều đạt dung tích cao từ 80-100% DTTK. Tại Quảng Bình: Tỷ lệ trữ trung bình đạt 88 % so với DTTK, có 04 hồ đang xả tràn theo quy trình là hồ Sông Thai xả 52,3 m3/s , Vực Tròn xả 540 m3/s, Thác Chuối xả 267 m3/s, Rào Đá xả 110m3/s; một số hồ chứa và và lớn có dung tích khá như: An Mã 93%, Vực Tròn 123%, Phú Vinh 95%, Thác Chuối 70%, Tiên Lang 117%, Phú Hòa 97 %, Vực Nồi 91%;... Tại Quảng Trị: Tỷ lệ trữ trung bình đạt 65 % so với DTTK, có 02 hồ đang xả tràn theo quy trình là hồ Bảo Đài xả 92 m3/s, hồ Khe Mây xả 4 m3/s; một số hồ chứa và và lớn có dung tích khá như: Bảo Đài 119%, Hà Thượng 74%, Bàu Nhum 85%, Trung Chỉ 102%, Khe Mây 88%;... Các địa phương khác dung tích trung bình đạt 60-80% DTTK, tuy nhiên do mưa không đều nên có hồ có dung tích khá, có hồ có dung tích thấp.

Tại khu vực Nam Trung bộ: Tỷ lệ trữ trung bình đạt 40 -70% so với DTTK. Một số hồ chứa và và lớn có dung tích khá như: Tà Rục 80%, Am Chúa 81%, Đá Đen 81%, Suối Luồng 90% (Khánh Hòa); Tân Giang 107%, Trà Co 105%, Phước Trung 101%, Suối Lớn 88%, Bà Râu 91% (Ninh Thuận). Còn khu vực Tây Nguyên: Tỷ lệ trữ trung bình đạt 70÷90 %; một số hồ chứa và và lớn có dung tích khá như: A Yuôn Hạ 92%, Đắc Uy 103% (Kon Tum), Ea Soup Thượng 102%, Krông Búc Hạ 95% (Đăk Lăk).

Nhà dân ở xã Đức Hoá, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình bị ngập sâu trong nước lũ
Nhà dân ở xã Đức Hoá, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình bị ngập sâu trong nước lũ

Hiện tại các địa phương từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế, tình trạng ngập lụt, chia cắt vẫn còn tiếp diễn. Tại Quảng Bình, trong sáng 15/10, hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt qua Quảng Bình bị tê liệt hoàn toàn. Đến 06h sáng ngày 16/10, đường bộ ở các Quốc lộ 1A, Quốc lộ 9B và tỉnh lộ 570B, 561 đã lưu thông và thông tuyến bước 1. Trong đó, Quốc lộ 1A đoạn qua thị xã Ba Đồn đã được dỡ dải phân cách vào trưa 15/10 để lũ thoát nhanh. Đường Hồ Chí Minh nhánh Đông đoạn K900-K911 (qua xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa) còn ách tắt; các tuyến đường Quốc lộ 9, 12A, 12C, 15 vẫn còn một số điểm ngập, tắc đường (Quốc lộ 9: 02 điểm; Quốc lộ 12A: 04 điểm; Quốc lộ 15: 06 điểm); các tuyến tỉnh lộ 559, 559B, 561, 570B, 561 có 07 điểm bị ngập sâu 0,5 - 0,8m (559: 02 điểm, 559B: 03 điểm, 561: 02 điểm). Các tuyến đường huyện, liên xã, liên thôn hầu hết đều bị ngập. Cục Quản lý đường bộ 2 phối hợp với cảnh sát giao thông đã tổ chức ngăn đường và phân luồng từ xa không để xảy ra tình trạng ách tắc trên tuyến. Hiện nước đang rút dần.

Tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Bình hiện vẫn chưa thể lưu thông do tuyến đường sắt này bị lũ cuốn, gây sạt lở mái ta luy, xói nền đường ở nhiều vị trí. Trong đó, đáng kể như sạt lở mái ta luy dương nền đường sâu 18 - 20m, rộng khoảng 16m tại đường sắt Bắc - Nam đoạn Khu gian Ngọc Lâm - Lạc Sơn thuộc xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa. Công ty CP đường sắt Quảng Bình đã phải phong tỏa các đoạn đường sắt kể trên. Có 04 đoàn tàu/366 hành khách đang dừng tại 3 ga Mỹ Đức, Đồng Hới, Lệ Sơn. Riêng tàu đoàn tàu SE19 tại ga Lệ Sơn/132 hành khách đã được UBND tỉnh hỗ trợ xăng đầu để tàu nổ máy phục vụ điện sinh hoạt, và nhu yếu phẩm. Đến chiều 15/10, tỉnh Quảng Bình đã ứng cứu chuyển về thành phố Đồng Hới 132 khách (với 98 khách nước ngoài) bị kẹt trên tàu tại ga Lê Sơn, huyện Tuyên Hóa.

Cùng với ngập và sạt lở trên các tuyến giao thông, tại Quảng Bình, tình hình ngập lụt nhà dân vẫn hết sức nghiêm trọng. Từ sáng 15/10, ngập lụt ngiêm trọng đã xảy ra trên lưu vực sông Gianh và sông Kiến Giang với 71.287 nhà tại 115 xã thuộc 08 huyện bị ngập sâu từ 0,5 - 3m, nhiều nơi ngập sâu trên 3m. Trong đó, có 05 huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, thị xã Ba Đồn, Quảng Trạch, Bố Trạch thuộc lưu vực sông Gianh; và 03 huyện, thị: Đồng Hới, Quảng Ninh, Lệ Thủy thuộc lưu vực sông Kiến Giang. Cụ thể: Minh Hóa: 2.667 nhà;  Tuyên Hóa: 8.767 nhà; thị xã Ba Đồn: 22.873 nhà; Quảng Trạch: 3.139 nhà; Bố Trạch: 4.500 nhà; Đồng Hới: 1.441 nhà; Quảng Ninh: 8.100 nhà; Lệ Thủy: 19.800 nhà. Đây là những vùng thường xuyên bị ngập, lụt. Hiện nước đang rút dần.

Về số nhà dân bị cô lập, thống kê trong sáng 15/10, có khoảng 15 khu vực với 354 hộ thuộc 03 xã Châu Hóa, Mai Hóa, Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa bị cô lập do sạt lở đường hoặc nước ngập đường. Ngoài ra, cũng đã xảy ra lũ quét tại xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa sáng 15/10, làm ảnh hưởng đến 46 nhà dân. Trong khi đó, tại tỉnh Quảng Trị, đến sáng ngày 15/10, mưa đã giảm, nước rút, giao thông cơ bản bình thường; hiện tình trạng ngập cục bộ tại tuyến giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Hải Lăng, một số tuyến đường có ngầm, tràn ở vùng miền núi vẫn còn. Còn tại tỉnh Thừa Thiên Huế, đến sáng 15/10, cơ bản đã hết ngập úng các khu dân cư, đã khôi phục 10% điện sinh hoạt trên toàn tỉnh, giao thông trở lại bình thường.

Lũ lụt gây thiệt hại cho nặng cho các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế

Thống kê thiệt hại tại 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế của Chi cục PCTT khu vực miền Trung và Tây Nguyên đến sáng 16/10 cho biết, đã có 11 người chết (trong đó, tỉnh Quảng Bình: 09 người; tỉnh Thừa Thiên Huế: 02 người); 03 người mất tích (tại tỉnh Quảng Bình); 18 người người bị thương (Quảng Bình: 13 người; Quảng Trị: 03 người; Thừa Thiên Huế: 02 người).

Lũ nhấn chìm làng mạc, đường sá tại huyện Tuyên Hoá và Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình
Lũ nhấn chìm làng mạc, đường sá tại huyện Tuyên Hoá và Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình

Thiệt hại về nhà ở tại các địa phương này trong các ngày qua cũng khá cao. Cụ thể, tổng số nhà bị tốc mái là 962 nhà, trong đó thiệt hại hoàn toàn (trên 70%): 11 nhà (Huế: 01 nhà; Quảng Trị: 10 nhà); thiệt hại nặng (từ 30 - 50%): 392 nhà (Quảng Bình: 07 nhà; Quảng Trị: 55 nhà; Thừa Thiên Huế: 330 nhà); thiệt hại một phần (dưới 30%): 559 nhà (Quảng Bình: 59 nhà; Quảng Trị: 500 nhà).

Về số nhà bị ngập nước, tổng số có 72.506 nhà, trong đó bị ngập dưới 1m: 35.329 nhà (Quảng Bình: 34.615 nhà; Quảng Trị: 528 nhà; Thừa Thiên Huế: 186 nhà); bị ngập nước từ 1 - 3m: 35.826 nhà (Quảng Bình: 35.339 nhà; Quảng Trị: 427 nhà); bị ngập nước trên 3m: 1.351 nhà (Quảng Bình: 1.273 nhà; Quảng Trị: 78 nhà).

Thống kê các thiệt hại về nông nghiệp được Chi cục PCTT khu vực miền Trung cập nhật đến sáng 16/10 như sau: Tổng diện tích hoa màu, rau màu bị thiệt hại tại 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế là 1.108ha. Trong đó: Thiệt hại hoàn toàn (trên 70%): 1.010ha (Quảng Bình: 766ha; Quảng Trị: 244ha); thiệt hại một phần (dưới 30%): 98ha (Huế); gia súc bị chết, cuốn trôi: 141 con (Quảng Bình: 108 con; Quảng Trị: 33 con); gia cầm bị chết, cuốn trôi: 83.000 con (Quảng Bình: 73.000 con; Quảng Trị: 10.000 con). Các thiệt hại đang được các địa phương tiếp tục cập nhật.

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Thông tin

Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ.

Địa chỉ: 660 Trưng Nữ Vương - Quận Hải Châu – Đà Nẵng

Điện thoại: 0236 3 618630 - Fax: 02363 618139

Email: webmaster@kttvttb.vn