Kinh tế - Chính trị - Văn hóa - Xã hội

Nước với cuộc sống: Giải pháp nào cho đô thị hiện đại

1653

(Xây dựng) - Chia sẻ sáng tạo với chủ đề “Nước với cuộc sống đô thị” là một trong những nội dung của hội thảo do Viện nghiên cứu phát triển triển kinh tế xã hội TP Đà Nẵng tổ chức vào chiều ngày 4/10.

Nội dung hội thảo nhằm chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế, sáng kiến và hợp tác về quản lý, sử dụng nguồn nước tại đô thị, hướng đến xây dựng TP Đà Nẵng đáng sống và các đô thị trong nước phát triển bền vững. Bởi mối quan hệ khắng khít giữa nước và phát triển đô thị.


Chỉ sau một trận mưa to kéo dài, các đô thị lớn hơn như Hà Nội, TP HCM đã chìm trong biển nước. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Thực trạng về nguồn nước tại Đà Nẵng

Đà Nẵng cũng như các đô thị khác trong cả nước đang đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến nguồn nước. Một trong những vấn đề lớn hiện nay của Đà Nẵng liên quan đến nguồn nước đó là nước cấp, tiêu thoát nước và xử lý nước thải. Từ tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa hè đến ngập nước do mùa mưa, nước thải hòa chung nước mưa gây ô nhiễm… đó là những thực trạng hiện nay mà Đà Nẵng cũng như một số đô thị lớn trong nước đang đối phải. Thực trạng này đã cản trở sự phát triển bền vững của thành phố.


Chỉ trận mưa to là các tuyến phố chính của Đà Nẵng đã bị ngập nặng.

Nói về nguyên nhân, theo Tiến sỹ Quách Thị Xuân, Viện nghiên cứu phát triển triển kinh tế xã hội TP Đà Nẵng: Đối với nước sinh hoạt, thiếu hụt là do sự phát triển dân số nhanh, nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt nhiều. Trong khi đó nguồn nước thường xuyên bị nhiễm mặn do việc xây dựng, vận hành các thủy điện ở thượng nguồn. Ô nhiễm nguồn nước do hệ thống thu gom và xử lý nước thải chưa hoàn thiện. Một số trạm xử lý nước thải còn chưa đạt tiêu chuẩn quốc gia. Hệ thống thu gom nước thải cũng dùng để tiêu thoát nước mưa nên có sự trộn lẫn gây ô nhiểm khi mưa lớn gây ngập ở các tuyến đường phố và thải trực tiếp ra biển gây ô nhiểm môi trường. Bên cạnh đó, xu hướng bê tông hóa đô thị làm giảm khả năng thấm nước qua đất gây ngập úng cục bộ.

Sự phối hợp chia sẻ thông tin giữa các đơn vị liên quan còn kém. Người dân thì thiếu kiến thức và chưa thực hành bảo vệ và tiết kiệm nguồn nước đúng đắn. Một số hộ dân kinh doanh ở vỉa hè đã cố tình bịt miệng cống để giảm mùi hôi vào những ngày nắng nóng nhưng lại không dỡ bỏ vào mùa mưa dẫn đến tình trạng tắt nghẽn dòng chảy thoát nước. Một số cơ sở sản xuất lại không đấu nối hệ thống nước thải của mình vào hệ thống thu gom nước thải của thành phố đã gây ô nhiễm cục bộ.Trong khi đó nguồn vốn của thành phố lại không thể đảm đương nổi trong việc đầu tư, cải thiện hệ thống cấp nước, tiêu thoát nước và xử lý nước thải.

Đề xuất các giải pháp hữu ích về quản nguồn nước đô thị

Tại hội thảo, tiến sỹ Joost Burman, trường ĐH Quốc gia Singapore đã chia sẻ giải pháp lồng ghép quản lý nguồn nước với cơ sở hạ tầng đô thị theo chương trình quản lý nước ABC, đó là mang người dân tới gần với môi trường nước hơn thông qua việc phân bổ các điểm nhấn thiết kế đô thị nhạy cảm về nước trong không gian đô thị; Xây dựng mối gắn kết giữa con người với tài nguyên nước; Thay đổi thái độ người dân về vấn đề rác thải và môi trường sống sạch đẹp. Chương trình đã mang lại lợi ích về kinh tế và vật chất.

Tiến sỹ Shokhrokh Jalilov đến từ ĐH Liên hiệp quốc tại Nhật Bản cũng đưa ra giải pháp về quản lý nước đô thị: Hiểu giá trị lợi ích mà tài nguyên nước như sông, hồ mang lại; Cần kết hợp và tăng cường sử dụng các giải pháp hiện đại như các công cụ kinh tế và khuyến khích tài chính, quản lý tổng hợp sông trong đô thị; Nâng cao nhận thức để hạn chế ô nhiễm, kiểm soát và thực thi theo pháp luật; Tái sử dụng và xử lý nước mưa, nước thải bằng các ứng dụng kỹ thuật thích ứng với biến đổi khí hậu. Các nhà hoạch định chính sách cần đưa ra những quyết định bảo vệ môi trường và quy hoạch đô thị hợp lý.

Đề xuất của nhóm tác giả đến từ trường ĐH Đà Nẵng đã đưa ra mô hình “Citizen Science - Khi người dân cũng là nhà khoa học” cho thành phố Đà Nẵng. Mô hình đã mô tả sự tham gia của cộng đồng trong các nghiên cứu khoa học liên quan đến vấn đề bảo vệ nguồn nước. Người dân có quyền tham gia giám sát và tham gia thực hiện nghiên cứu, qua đó giúp cộng đồng nhận thức đúng đắn hơn về bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường.

Nguồn: baoxaydung.com.vn

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Thông tin

Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ.

Địa chỉ: 660 Trưng Nữ Vương - Quận Hải Châu – Đà Nẵng

Điện thoại: 0236 3 618630 - Fax: 02363 618139

Email: webmaster@kttvttb.vn