Kinh tế - Chính trị - Văn hóa - Xã hội

Ông Donald Trump và tương lai của chính sách xoay trục về châu Á

1903
Với tiêu chí “nước Mỹ là trên hết”, có lý do để nghi ngại việc ông Trump làm tổng thống đối với chính sách xoay trục châu Á của Mỹ, nhà nghiên cứu Phuong Nguyen thuộc CSIS nói với Thanh Niên.
Giành 276 phiếu sau cuộc bầu cử ngày 8.11, ông Donald Trump đã vượt qua bà Hillary Clinton, trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ.
Một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế là cách ứng xử của tân Tổng thống Mỹ đối với khu vực châu Á -Thái Bình Dương. Nói cách khác, chính sách “xoay trục về châu Á" dưới thời ông Barack Obama sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ quan điểm về chính sách đối ngoại của ông Donald Trump.
Tương lai nào cho “xoay trục châu Á”?
Với những phát biểu trong suốt quá trình tranh cử tổng thống, ông Donald Trump có vẻ là người khiến các đồng minh của Mỹ tại khu vực châu Á lo ngại hơn so với bà Clinton.
Dưới thời Tổng thống Obama, quan hệ giữa Mỹ với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Philippines khá ổn định. Thế nhưng ông Trump trong một phát biểu hồi tháng 5.2016 từng khẳng định muốn Nhật Bản và Hàn Quốc phải trả thêm tiền để nhận sự hỗ trợ của Mỹ, vì nước Mỹ đã phải chịu gánh nặng lớn đối với những cam kết an ninh ở nước ngoài. Quan điểm này được cho là có thể khiến quan hệ Mỹ - Philippines tiếp tục trắc trở, vì Tổng thống Rodrigo Duterte đã nhiều lần đòi ngừng quan hệ quân sự với Mỹ.
Trao đổi với Thanh Niên, bà Phuong Nguyen, nhà nghiên cứu về châu Á -Thái Bình Dương thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS, Mỹ) cho rằng ông Trump có xu hướng lấy lợi ích của Mỹ làm ưu tiên hàng đầu.
“Ông Trump muốn theo đuổi chính sách ngoại giao biệt lập và trọng thương, kể cả đối với các nước đồng minh, nói gọn là "nước Mỹ trên hết". Trong khi đó, đường lối ngoại giao của bà Clinton có tính liên tục hơn và sẽ nối tiếp các chính sách của Obama”, bà Phuong Nguyen cho biết.
 
Ông Donald Trump và tương lai của chính sách xoay trục về châu Á - ảnh 2
Bà Phuong Nguyen, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và Chiến lược (CSIS)
       

Trên thực tế, ông Trump gần như không có phát biểu nào đáng chú ý về vấn đề chính sách của Mỹ ở châu Á. Thay vào đó, ông đa phần nói đến lợi ích thương mại và không dưới một lần khẳng định người lao động các nước như Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam “cướp việc làm” của người dân Mỹ (?).

“Các quốc gia châu Á -Thái Bình Dương có nhiều lý do để e ngại khi Tổng thống Mỹ sắp tới không phải là bà Clinton. Vì các quan điểm về đối ngoại và an ninh của bà Clinton ai cũng biết, các cố vấn của Clinton là những người có nhiều kinh nghiệm với châu Á -Thái Bình Dương”, bà Phuong Nguyen nói thêm.

Mặc dù vậy trong một trao đổi với Thanh Niên, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành lập luận rằng, xét về kinh tế Mỹ vẫn sẽ tiếp tục chính sách tái cân bằng ở châu Á, và điều này tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.

“Dù ai lên làm tổng thống, chính sách tái cân bằng châu Á của chính quyền Obama vẫn sẽ tiếp tục. Vấn đề là cần phải thích ứng với tình hình thực tế tại khu vực, năng lực của nền kinh tế Mỹ, chuyển biến của các quốc gia đồng minh và sự phát triển hay suy thoái của Trung Quốc”, ông Bùi Kiến Thành nói.

Đối trọng Trung Quốc

Trong chiến lược xoay trục về châu Á của chính quyền Obama, Trung Quốc nghiễm nhiên là một đối trọng về sức mạnh kinh tế lẫn ảnh hưởng ngoại giao. Chính vì vậy khi nói đến châu Á -Thái Bình Dương, câu chuyện về Trung Quốc cũng là chủ đề đáng lưu ý.

Điều này được thể hiện qua việc từ “Trung Quốc” được nhắc tới 12 lần trong cuộc tranh luận trực tiếp giữa ông Donald Trump và bà Hillary Clinton hồi ngày 26.9, theo The South China Morning Post.

Donald Trump vẫn nói về Trung Quốc với cái nhìn tiêu cực trong lĩnh vực kinh tế, thương mại. Ông cho rằng Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới - đã “cưỡng bức” kinh tế Mỹ, và cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ.

 
Ông Donald Trump và tương lai của chính sách xoay trục về châu Á - ảnh 3
Ông Trump hầu như không đề cập tới chính sách ngoại giao với Trung Quốc, thay vào đó đa phần ông nhắm vào lĩnh vực kinh tếREUTERS


Trong khi đó bà Clinton dù ít có phát ngôn theo kiểu "chọc giận" dư luận Trung Quốc, nhưng đã chứng tỏ là người có quan điểm về chính sách đối ngoại rõ ràng hơn đối với Bắc Kinh.

Một bài phân tích của Reuters ngày 12.7 cho rằng Trung Quốc sẽ thấy “dễ chịu” hơn nếu tổng thống Mỹ là ông Trump thay vì bà Clinton. Lý do ở chỗ bà Clinton đã để lại những dấu ấn tiêu cực về chính sách đối ngoại với Trung Quốc trong thời gian bà làm ngoại trưởng Mỹ (2009-2013). Nhận định này cũng được The South China Morning Post ủng hộ trong một bài viết ngày 15.10.

“Về quan hệ với Trung Quốc, Trump sẽ chú tâm nhất về sự mất cân bằng trong quan hệ mậu dịch giữa hai nước và chính sách tiền tệ của Bắc Kinh. Trong khi đó, bà Clinton sẽ xem Trung Quốc vừa như một đối thủ, vừa là một đối tác chiến lược của Mỹ. Bà Clinton được cho là đã có những cuộc trao đổi thẳng thắn với lãnh đạo Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Trong một bài phát biểu riêng, bà Clinton nói rằng tuy Mỹ không thể ngăn chặn Trung Quốc thể hiện sức mạnh quân sự ở Biển Đông, nhưng các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là vượt mức cho phép và thiếu căn cứ. Ngược lại, ông Trump gần như chưa bao giờ thể hiện quan điểm về Biển Đông”, bà Phuong Nguyen nhận xét.
Không có xung đột quân sự
 
Ông Donald Trump và tương lai của chính sách xoay trục về châu Á - ảnh 4
Bà Rukmani Gupta, chuyên gia phân tích cao cấp về châu Á - Thái Bình DươngIDSA
       
Trong năm 2016, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc chứng kiến những giai đoạn căng thẳng. Mỹ nhiều lần thách thức các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông, thông qua các chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải.
Ngoài ra, quan hệ hai bên cũng gặp khúc mắc với kế hoạch triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc, được cho nhằm đối phó Triều Tiên nhưng bị Trung Quốc nói sẽ gây bất ổn an ninh khu vực.

Mặc dù vậy bà Rukmani Gupta, chuyên gia phân tích cao cấp về châu Á – Thái Bình Dương, người từng nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng (IDSA, Ấn Độ) và chuyên gia của chuyên san quốc phòng IHS Jane’s, cho biết sẽ ít có nguy cơ về một cuộc xung đột quân sự trên Biển Đông, dù căng thẳng vẫn leo thang.

Một khi ông Trump làm tổng thống Mỹ, tức nắm trong tay nút kích hoạt chiến tranh hạt nhân, viễn cảnh về một cuộc xung đột vũ trang cũng khá thấp, theo nhà nghiên cứu Phuong Nguyen.

“Dù ai là tổng thống, chính sách tổng thể của Mỹ sẽ nghiêng về tránh xung đột vũ trang với Trung Quốc ở Biển Đông. Tránh được xung đột trên trường quốc tế là điều rất quan trọng”, bà Phuong Nguyen nói.
Nguồn: thanhnien.vn

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Thông tin

Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ.

Địa chỉ: 660 Trưng Nữ Vương - Quận Hải Châu – Đà Nẵng

Điện thoại: 0236 3 618630 - Fax: 02363 618139

Email: webmaster@kttvttb.vn