Kinh tế - Chính trị - Văn hóa - Xã hội

"Sốc tải" ở các trạm xử lý nước thải Đà Nẵng

1731

Hầu hết các khu công nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng đều có trạm xử lý nước thải (XLNT) tập trung. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều nhà máy XLNT đầu tư công nghệ lạc hậu dẫn đến ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc.

“Sốc tải” ở các trạm XLNT

Ông Mai Mã - Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải TP. Đà Nẵng cho biết, hiện công ty quản lý 6 nhà máy XLNT, trong đó 5 nhà máy XLNT sinh hoạt, mỗi ngày thu gom khoảng 100.000m3. Thực tế cho thấy, nhiều nhà máy XLNT công nghiệp cũng như nước thải sinh hoạt thời gian qua đã gây ô nhiễm. Điển hình như các nhà máy xử lý nước thải Phú Lộc, Thọ Quang gây ô nhiễm trong một thời gian dài, khiến người dân ở các khu vực này bức xúc.

Thực tế cho thấy, nhiều nhà máy XLNT công nghiệp cũng như nước thải sinh hoạt thời gian qua đã gây ô nhiễm
Thực tế cho thấy, nhiều nhà máy XLNT công nghiệp cũng như nước thải sinh hoạt thời gian qua đã gây ô nhiễm

Gần đây nhất, nhà máy XLNT tập trung khu công nghiệp Liên Chiểu gây mùi hôi, người dân đã đến tận nhà máy để lấp ống tiếp nhận nước, chính quyền địa phương phải trực tiếp đối thoại để giải quyết. “Thực trạng hiện nay tại các nhà máy XLNT tập trung đều có vấn đề. Ngoài nhà máy XLNT tập trung khu công nghiệp Liên Chiểu gây ô nhiễm, nhà máy XLNT tại khu công nghiệp Hòa Khánh cũng đã quá tải, một số tuyến ống thu gom bị hư hỏng, nước tràn ra đường khiến người dân bức xúc”, ông Mai Mã nói.

Trao đổi với PV, ông Ngô Lê Quảng - Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội chi nhánh miền Trung (Urenco - Chi nhánh miền Trung) - đơn vị xử lý nước thải tại KCN Hòa Khánh cho biết: Trước đây, tổng lượng nước thải của các nhà máy hoạt động ở cả 3 KCN gồm: KCN Hòa Khánh, Hòa Khánh mở rộng, Thanh Vinh phát sinh khoảng hơn 3.000m3/ngày đêm. Trong khi đó, Trạm XLNTTT KCN Hòa Khánh có công suất 5.000 m3/ ngày đêm nên bảo đảm thu gom và xử lý toàn bộ nước thải phát sinh từ các nhà máy.

“Nhưng hiện nay, KCN Hòa Khánh đã lấp đầy 100% diện tích nên lượng nước thải của các doanh nghiệp ngày một tăng. Đến thời điểm này, cả 3 KCN trên có 194 doanh nghiệp; trong đó có gần 170 doanh nghiệp thực hiện việc đấu nối vào hệ thống XLNT với lượng nước thải trung bình đạt 6.000m3/ngày đêm, vượt quá công suất thiết kế của trạm nên việc “sốc tải” là điều khó tránh khỏi” - ông Quảng nói.

Với lượng nước thải trung bình đạt 6.000m3/ngày đêm, vượt quá công suất thiết kế của Trạm XLNT KCN Hòa Khánh nên việc “sốc tải” là điều khó tránh khỏi
Với lượng nước thải trung bình đạt 6.000m3/ngày đêm, vượt quá công suất thiết kế của Trạm XLNT KCN Hòa Khánh nên việc “sốc tải” là điều khó tránh khỏi

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Trạm XLNTTT KCN Hòa Khánh được đưa vào hoạt động hơn 10 năm, với công suất thiết kế ban đầu 5.000m3/ngày đêm, hiện nhiều thiết bị đã bị hư hỏng xuống cấp trầm trọng.

Nâng cấp để thoát ô nhiễm

Trước thực trạng trên, để hạn chế tình hình ô nhiễm môi trường do các nhà máy XLNT gây ra, Đà Nẵng chủ trương đầu tư nâng cấp các nhà máy. Trong đó, đang đầu tư xây dựng các nhà máy XLNT Phú Lộc và Sơn Trà… Đầu năm 2017, hai nhà máy này sẽ được đưa vào hoạt động. “Chúng ta cần đánh giá lại toàn bộ thực trạng tại các nhà máy để có những điều chỉnh, nâng cấp, đồng thời đầu tư mới các trạm XLNT nội bộ để bảo đảm môi trường. Phấn đấu trong vòng 5 năm tới, tất cả các nhà máy XLNT đều xử lý theo công nghệ tiên tiến bậc 2 để giải quyết căn bản vấn đề môi trường” - ông Mai Mã chia sẻ với PV.

Được biết, Cty Phát triển và khai thác hạ tầng khu công nghiệp Đà Nẵng (Daizico) đã trình UBND TP. Đà Nẵng đầu tư thay thế các tuyến cống bị hư hỏng với chiều dài khoảng 2,5km và Đà Nẵng đã phê duyệt chủ trương đầu tư này với tổng mức vốn 39 tỷ đồng. Hiện  Daizico đang thực hiện thi công tuyến ống này để khẩn trương đưa vào sử dụng. Ngoài ra, Daizico cũng đề xuất thay thế các tuyến cống bằng bê tông ly tâm còn lại với chiều dài khoảng 5km bằng ống nhựa HDPE, xây dựng trong năm 2017 với kinh phí khoảng 65 tỷ đồng.

Trạm XLNTTT KCN Hòa Khánh được đưa vào hoạt động hơn 10 năm, với công suất thiết kế ban đầu 5.000m3/ngày đêm, hiện nhiều thiết bị đã bị hư hỏng xuống cấp trầm trọng
Trạm XLNTTT KCN Hòa Khánh được đưa vào hoạt động hơn 10 năm, với công suất thiết kế ban đầu 5.000m3/ngày đêm, hiện nhiều thiết bị đã bị hư hỏng xuống cấp trầm trọng

Trao đổi với PV, Bà Phan Thị Hiền - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TP. Đà Nẵng cho biết thêm, theo Thông tư số 35 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trạm XLNT tập trung tại khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ có lưu lượng nước trên 1.000m3/ngày, đêm đều phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động. Ngành tài nguyên-môi trường thành phố đang triển khai công tác giám sát môi trường bằng hệ thống quan trắc tự động tại các nhà máy theo hình thức độc lập, tránh tình trạng các nhà máy chỉ làm đối phó.

“Các trạm XLNT đều lắp đặt trạm quan trắc tự động, nhưng đa phần đều thiếu các thông số cơ bản về môi trường. Vì vậy, chi cục sẽ bổ sung các tiêu chí theo quy định của bộ, trong đó bổ sung thêm tiêu chí về kim loại nặng. Phấn đấu thời gian đến, với việc giám sát bằng hệ thống quan trắc tự động, ô nhiễm môi trường tại các nhà máy XLNT sẽ được giải quyết căn bản”, bà Hiền cho biết.

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Thông tin

Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ.

Địa chỉ: 660 Trưng Nữ Vương - Quận Hải Châu – Đà Nẵng

Điện thoại: 0236 3 618630 - Fax: 02363 618139

Email: webmaster@kttvttb.vn