Vụ sạt lở núi kinh hoàng tại Phước Lộc, Phước Đồng, TP. Nha Trang đã chôn vùi hơn chục ngôi nhà và rất nhiều tài sản. Đau đớn hơn là sự tổn thất về nhân mạng, con mất mẹ, cha mất con, chồng mất vợ. Câu hỏi đặt ra là vì sao và ai phải chịu trách nhiệm về sự cố này?
Nứt, lở núi xuất phát từ việc núi bị hẫng chân |
Ông Phan Văn Định nhà gần khu vực núi lở, bức xúc: “Đất cứ chở đi bán rầm rầm, mấy trăm ngàn một xe, móc núi ra để khai thác đá chẻ. Chân mất rồi thì làm sao mà không sập! Khi núi đã sắp lở, chính quyền không cảnh báo, cũng không yêu cầu người dân sơ tán. Anh cứ hỏi những hộ bị nạn, sẽ biết”.
Ông Đặng Văn Luật, người có nhà bị sập trong vụ lở núi cho biết: “Nhiều ngày trước khi xảy ra sự cố lở núi, đã có hiện tượng chuyển núi, cây đổ,đất đá rơi. Ngày 19/12, khi đất đá rơi nhiều, kêu lục cục, chúng tôi đã báo Trưởng thôn, nhưng rồi không thấy động tĩnh gì cả. Mấy hộ trong xóm bảo nhau đêm hôm ngủ không khóa cổng khóa cửa, đề phòng núi lở thì có lối mà chạy”.
Ông Nguyễn Văn Thắm, hộ có nhà bị sập hoàn toàn, nói: “Năm nào núi cũng chuyển, nhưng năm nay mạnh nhất. Trước thời điểm xảy ra lở núi vài ngày, tại khu vực này đã xảy ra lở núi, tuy nhiên mới lở đá nhỏ và ở gần chân núi. Liên tục những ngày sau đó, có hiện tượng chuyển núi. Trong lòng núi phát ra những tiếng kêu kịch, kịch rất lớn”.
Một người dân từng sống lâu năm gần khu vực lở núi, cho biết, khoảng 5 năm trước khi hai vợ chồng chị lên núi chặt củi, đã phát hiện một vết nứt rộng đến 0,5 m, ăn sâu vào lòng núi. Chị thử thả hòn đá xuống khe nứt, nhưng không nghe thấy dội âm.
Chị này phân tích, trước đây chân núi thoai thoải, khi núi chưa bị tác động không hề có hiện tượng lở núi, rơi đá. Mười mấy năm qua, xã đã buông lỏng quản lý, để người dân tự ý khai thác đất, đá dưới chân núi, làm núi bị hẫng chân dẫn đến hiện tượng nứt, sụt sườn núi. Khi gặp mưa nhiều, mảng đất đã bị nứt sẽ tích tụ trọng lượng, đến một lúc trọng lượng đạt đến giới hạn và lớn hơn lực ma sát,sẽ xảy ra lở đất.
Có nhiều sườn núi tại Nha Trang đang bị đào bới khai thác đất đá, dẫn đến bị hẫng chân, có nguy cơ sạt lở |
Chắp nối những thông tin ghi nhận được của người dân sở tại, có thể hình dung rằng, nứt, lở núi tại Phước Lộc, Phước Đồng, TP. Nha Trang đã có quá trình từ nhiều năm nay, mà hiện tượng nứt, sụt núi ban đầu có nguyên nhân từ hoạt động khai thác đất, đá làm hẫng chân núi. Mưa kéo dài, thực tế chỉ có tác dụng xúc tác.
Trả lời báo chí, ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng, nguyên nhân chính gây sạt núi là do việc chẻ đá, khoét núi lấy đá. “Khi chân núi bị hổng, áp lực từ trên đè xuống, cộng với lượng mưa rất lớn dẫn đến sạt lở” - ông Thiên nhận định.
Nguyên nhân thì vậy, nhưng ai sẽ chịu trách nhiệm?. Diễn biến vụ việc cho thấy, chính quyền sở tại, cụ thể là UBND xã Phước Đồng đã không có giải pháp hữu hiệu và quyết liệt ngăn chặn, chấm dứt nạn khai thác đất, đá trái phép; cũng không có những cảnh báo kịp thời, có trách nhiệm để phòng ngừa khả năng xảy ra lở núi.
Ở cấp cao hơn, thành phố Nha Trang và tỉnh Khánh Hòa vốn có cả một bộ máy phòng chống thiên tai với kinh phí, phương tiện và phương án phòng chống thiên tai hàng năm, nhưng từ sự cố này, có thể nói, lực lượng này đã thiếu sâu sát, không có những khảo sát thực tế để nắm sát tình trạng những vị trí có nguy cơ sạt lở, từ đó có phương án ứng phó.
Vậy, ai, cơ quan cụ thể nào sẽ phải chịu trách nhiệm, biện pháp xử lý ra sao, hay sẽ lại lặp lại điệp khúc…"rút kinh nghiệm"?
Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn
TIN TỨC CHUNG
Leave a reply
Your email address will not be published. Required fields are marked *
Tin tức