Môi trường

Đường tiêu thụ của bì heo bẩn

2279
Quá trình thâm nhập các cơ sở chế biến bì heo bẩn ở P.11, Q.6, TP.HCM, PV Thanh Niên nhiều lần theo các xe chở bì heo thành phẩm đi tiêu thụ.
Vào chợ, đi tỉnh...
Khoảng 11 giờ ngày 31.12.2016, PV bám theo một phụ nữ chạy chiếc xe gắn máy cà tàng chở bì heo từ hẻm 365 Hậu Giang (P.11) đi bỏ mối. Lòng vòng qua nhiều tuyến đường, người này tấp vào một chợ ở P.13 (Q.6) giao hàng cho một sạp khá lớn bán đủ loại bún, mì tôm và nhiều loại thực phẩm khác. Ngay sau đó, khi PV tới hỏi mua bì heo, chủ sạp này báo giá: “Mua từ 1 kg trở lên thì giá 24.000 đồng/kg. Bì này mua về bán cơm tấm, hay bỏ kèm vào bánh mì bán thì không chê vào đâu được... đảm bảo khách sẽ thích ngay”.
Khoảng 12 giờ cùng ngày, chúng tôi bám theo một người đàn ông mặc áo khoác màu đen, điều khiển xe gắn máy từ hẻm 405 Hậu Giang (Q.6) chở đầy bì heo đi tiêu thụ. Người này ghé vào khu chợ trên đường Phù Đổng Thiên Vương (gần giao lộ Phù Đổng Thiên Vương - Trần Hưng Đạo, Q.5) để giao bì heo. Thực tế không chỉ riêng ở chợ này, các sạp bán bì heo ở nhiều chợ khác thường bán ghép với bún tươi, bún khô, mỗi ngày một sạp tiêu thụ hàng chục ký bì heo. Đáng chú ý, kênh phân phối bì heo bẩn ở “làng nghề” Q.6 không chỉ gói gọn trên địa bàn TP.HCM mà được vận chuyển về một số tỉnh, thành lân cận tiêu thụ
 
 
 Đường tiêu thụ của bì heo bẩn - ảnh 2
 Trưa 31.12.2016, người đàn ông chạy xe máy chở bì heo từ “lò” sản xuất ở P.11, Q.6 đi bỏ mối
Cụ thể, khi PV Thanh Niên bám theo người đàn ông mặc áo ca rô chạy xe gắn máy cũng chở bì heo xuất phát từ khu vực hẻm 365 trưa 31.12, thấy sau hơn 30 phút chạy với tốc độ cao, thậm chí liên tục vượt đèn đỏ, người này tấp vào một chành xe (nơi lên xuống hàng - PV) khá lớn trên đường Võ Văn Kiệt (P.13, Q.5), vứt bao bì heo xuống một gốc cây bên trong chành rồi quay đầu xe, rồ ga chạy về. Qua tìm hiểu, một số người ở chành xe cho biết số bì heo này được một đầu mối ở Long An đặt hàng vận chuyển về H.Đức Hòa, tỉnh Long An tiêu thụ mỗi ngày.
Từng kiểm tra, thu hóa chất tẩy trắng bì heo
Trong động thái khác, ngay sau khi Thanh Niên ngày 9.1 đăng bài Hãi hùng bì heo bẩn, làm việc với PV Thanh Niên, ông Lê Tấn An, Phó chủ tịch UBND Q.6, khẳng định sẽ cho kiểm tra và xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm. “Nếu đúng như phản ánh của Báo Thanh Niên thì quả là không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”, ông An nói.
 Đường tiêu thụ của bì heo bẩn - ảnh 3
 Bỏ bì heo ở một bãi xe tải nằm trên đường Võ Văn Kiệt (P.13, Q.5)
Cũng theo ông An, khu vực mà Thanh Niên phản ánh có 23 cơ sở sản xuất bì heo, 5 cơ sở chế biến mỡ heo, 6 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi; trong đó có 10 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; 12 cơ sở đang thẩm định, nếu đảm bảo các điều kiện theo quy định thì cấp, nếu không thì phối hợp với phường vận động người dân chuyển đổi mô hình kinh doanh khác. “Trước đây, năm 2013 - 2014, quận phối hợp với phường tiến hành kiểm tra các cơ sở này nhưng ý thức chấp hành chưa cao, thậm chí chống đối, bất hợp tác, đóng cửa không cho kiểm tra; qua kiểm tra cũng có thu giữ hóa chất tẩy trắng bì heo. Sau này, quận triển khai nhiều kế hoạch tuyên truyền, hướng dẫn sửa chữa cải tạo cơ sở sản xuất sao cho đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sử dụng phụ liệu nào cho phép trong quá trình sản xuất làm cho bì heo giòn; trường hợp cơ sở nào khó khăn, quận kết nối giúp vay vốn ngân hàng... Từ đó, nhiều cơ sở cũng có chuyển biến. Theo kế hoạch, sau khi hoàn tất công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, vừa qua, quận dự kiến tiến hành tổng kiểm tra toàn bộ các cơ sở này nhưng vì chỉ đạo ở trên không được tổ chức kiểm tra quá nhiều đoàn trong 1 năm nên mới tạm ngưng lại”, ông An nói và khẳng định: “Năm 2017, UBND Q.6 sẽ tổng kiểm tra các cơ sở sản xuất bì heo khu vực này. Quan điểm của quận dứt khoát không dung túng, bao che mà xử lý nghiêm cơ sở nào vi phạm, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”.
 Đường tiêu thụ của bì heo bẩn - ảnh 4
Trưa 31.12.2016, người phụ nữ này đem bì khô, được bọc giấy kỹ lưỡng bên ngoài giao cho một sạp ở chợ Phú Lâm (P.13, Q.6)
Chớ ham bì heo quá “sạch”
Cũng trong quá trình điều tra, PV Thanh Niên đã nhiều lần tới khu vực chợ Kim Biên hỏi mua loại hóa chất dùng để “hô biến” bì heo từ màu vàng trở thành trắng tinh. Sau khi nghe chúng tôi trình bày, người phụ nữ ra giá: “Ở đây bán lẻ 20.000 đồng/lít, mua nguyên can 30 lít giá 330.000 đồng/can” và cảnh báo: “Nồng độ ô xy già rất cao, rất rát da tay nếu bất cẩn tiếp xúc phải”. Còn một chủ cửa hàng trên đường Gò Công (gần chợ Kim Biên) báo giá: “Có hai loại ô xy già dùng để tẩy trắng bì heo. Một loại xuất xứ từ Trung Quốc giá 18.000 đồng/lít chuyên dùng để tẩy trắng chân gà, bì heo, lòng heo... Mua bao nhiêu cũng có, không cần đặt hàng trước. Một loại của Thái Lan giá 22.000 đồng/lít. Loại của Thái Lan cao hơn loại của Trung Quốc một độ”.
Trong khi đó, theo chuyên gia hóa học Nguyễn Đình Độ, ô xy già là dung dịch trong nước của hiđropeoxit H2O2. Khi dùng ô xy già để tẩy trắng thực phẩm sẽ xảy ra phản ứng ô xy hóa khử giữa ô xy già và protein của chất màu, làm bì heo bị mất màu và tạo cảm giác bì heo trở nên trắng, sạch, bắt mắt hơn. “Những hóa chất như ô xy già, SO2,... được cho phép sử dụng để làm trắng thực phẩm nhưng với liều lượng nghiêm ngặt và không được dùng hóa chất công nghiệp. Vì lợi nhuận, người ta sẽ dùng hóa chất công nghiệp cho rẻ tiền, ví dụ ô xy già công nghiệp được điều chế bằng cách thủy phân các muối persulfat sẽ chứa nhiều tạp chất, độc chất có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Tóm lại, khi ăn bì heo không nên chọn bì heo có vẻ “sạch” quá vì nó chắc chắn đã được tẩy trắng. Ta cứ chọn loại bì heo vẫn còn màu hơi vàng của da tự nhiên, hoặc vẫn còn những vết mực kiểm tra của thú y là an toàn hơn cả”, ông Độ khuyến cáo. 
Nguồn: thanhnien.vn

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Thông tin

Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ.

Địa chỉ: 660 Trưng Nữ Vương - Quận Hải Châu – Đà Nẵng

Điện thoại: 0236 3 618630 - Fax: 02363 618139

Email: webmaster@kttvttb.vn