Ngày 29-8, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng chủ trì cuộc họp thông qua một số nội dung về công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Tại đây, ông Đặng Việt Dũng thẳng thắn phê bình thái độ, trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực này.
Nhiều sở, ngành bị phê bình vì thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong ảnh: Cán bộ Tổ liên ngành thành phố kiểm tra nguyên liệu tại một công ty cung cấp suất ăn công nghiệp. |
Chậm trễ, trùng lặp…
Công tác quản lý Nhà nước về ATVSTP hiện nay được giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp thực hiện cùng các Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng, câu hỏi “các loại thực phẩm trên địa bàn thành phố hiện ô nhiễm ở mức độ nào” thì các ngành chức năng vẫn chưa thể trả lời chính xác. Nguyên nhân xuất phát từ sự đùn đẩy trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, sự chồng chéo trong công tác quản lý nên mọi nhiệm vụ đều triển khai một cách chung chung, không rõ ràng. Thậm chí, bản thân một số sở, ngành cũng không có sự phân công cán bộ chuyên trách cụ thể nên tiến độ thực hiện chậm trễ, trùng lặp.
Theo bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế, quy định phân công, phối hợp trong quản lý Nhà nước về ATVSTP đang tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của các sở, ngành liên quan. Một khi đã thông qua sẽ quy định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của các đơn vị. Các Sở Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như UBND các quận, huyện và phường, xã sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trước lãnh đạo thành phố đối với những nhiệm vụ liên quan đến đơn vị mình. Điều này bảo đảm tiến độ thực hiện các nhiệm vụ về VSATTP không bị gián đoạn, công tác quản lý không xảy ra tình trạng chồng chéo.
Theo Văn phòng UBND thành phố, tính đến thời điểm cuối tháng 8-2016, nhiều nhiệm vụ trọng tâm về ATVSTP của thành phố đã chậm tiến độ so với kế hoạch đặt ra. Trong đó có đề án “Quản lý an toàn thực phẩm theo quy trình từ trang trại đến bàn ăn” trên địa bàn thành phố đến năm 2020; quy định quản lý thức ăn đường phố theo tiến độ ngày 20-7 phải hoàn thành nhưng hôm nay vẫn tiếp tục… họp và lấy ý kiến.
4 lần góp ý chưa xong 1 văn bản
Một nội dung quan trọng được Ban Chỉ đạo liên ngành ATVSTP thành phố yêu cầu phải triển khai rốt ráo là kiểm tra các bếp ăn tập thể trên toàn địa bàn thành phố. Theo Chi cục ATVSTP, hiện toàn thành phố có trên 7.000 bếp ăn tập thể, được phân loại quản lý 3 cấp gồm: trạm y tế phường, xã, (bếp ăn dưới 50 suất), các quận, huyện (bếp ăn 50-200 suất) và Chi cục ATVSTP (bếp ăn trên 200 suất). Đến thời điểm hiện tại, Chi cục ATVSTP mới kiểm tra được khoảng 56% số bếp ăn. Riêng kiểm tra các bếp ăn trường học, Chi cục ATVSTP cho biết, sang tháng 9, khi bước vào năm học mới bắt đầu triển khai.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng phê bình Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc đã không lĩnh hội hết các văn bản, kế hoạch thành phố ban hành. “Kế hoạch của UBND thành phố ban hành cuối tháng 7 vừa qua phải kiểm tra 100% các bếp ăn tập thể, trong tháng 8 này phải kiểm tra bếp ăn các trường học. Đề nghị Sở Y tế trả lời rõ câu hỏi vì sao Chi cục ATVSTP đến thời điểm hiện tại lại cho rằng chưa nhận được kế hoạch của thành phố”, ông Đặng Việt Dũng nhấn mạnh; đồng thời yêu cầu phải giải quyết dứt điểm tình trạng bán hàng rong, đồ ăn vặt trước cổng trường học, có thể xem xét đưa đồ ăn vặt vào khuôn viên trường học để bán nhằm giao trách nhiệm quản lý.
Tại buổi làm việc, mặc dù có nhiều nội dung liên quan đến lĩnh vực đơn vị phụ trách nhưng lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã không tham dự mà cử một chuyên viên đi thay. Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng lập tức mời chuyên viên này ra về và phê bình gay gắt thái độ của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. “Hôm nay có đại diện Sở Nội vụ tham dự cuộc họp, tôi đề nghị chính thức kiểm tra công chức, kiểm tra thực hành công vụ, thái độ làm việc của các sở, ngành liên quan đến việc thực hiện kế hoạch về ATVSTP, nếu phát hiện sai phạm thì phải xử lý nghiêm minh. Có nhiều văn bản quy phạm pháp luật đến 4 lần góp ý, bổ sung nhưng vẫn chưa hoàn thiện. Điều này do trình độ của chúng ta yếu kém hay là thái độ, trách nhiệm chưa nghiêm túc”, Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng nói.
Nguồn: baodanang.vn
TIN TỨC CHUNG
Leave a reply
Your email address will not be published. Required fields are marked *
Tin tức