Biển Việt Nam là một bộ phận quan trọng của Biển Đông, bao gồm vùng nội thủy, lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với diện tích khoảng trên 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền; bờ biển dài trên 3.260 km; 28/63 tỉnh, thành phố trên cả nước có biển. Nguồn tài nguyên biển, ven biển nước ta khá phong phú và đã được khai thác, sử dụng và quản lý từ lâu đời. Rất nhiều ngành kinh tế gắn liền với biển như năng lượng, cảng và vận tải biển, viễn thông, đánh bắt và nuôi trồng hải sản, thể thao, du lịch, kinh doanh bất động sản ven biển.
Tuy nhiên, việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển với cường độ cao, chưa phù hợp với chức năng sinh thái của biển làm nảy sinh các mâu thuẫn sử dụng, suy giảm giá trị và khả năng đáp ứng của biển đối với những nhu cầu sống còn của con người. Điều đó có thể dẫn đến các hệ lụy đối với biển như suy giảm nguồn lợi, tài nguyên và đa dạng sinh học, ô nhiễm và sự cố môi trường. Cùng với tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu, tất cả có thể đe dọa việc sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên, môi trường biển Việt Nam. Vì vậy, quy hoạch để sử dụng biển một cách hiệu quả và bền vững là hết sức cấp thiết.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thành Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, Quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển Việt Nam được xây dựng phù hợp với chính sách, luật pháp của Đảng và Nhà nước liên quan đến quản lý và phát triển bền vững biển Việt Nam, đặc biệt là Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Quy hoạch dựa trên các kết quả của các nghiên cứu, đánh giá về biển Việt Nam, bao gồm đặc điểm và các giá trị tự nhiên, sinh thái biển; yêu cầu về quốc phòng, an ninh trên biển; thực trạng và tiềm năng khai thác sử dụng biển; nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; thể chế quản lý tài nguyên và môi trường biển; bối cảnh khu vực, quốc tế và kinh nghiệm quốc tế trong quy hoạch sử dụng biển.
Quy hoạch được xây dựng dựa trên 05 nguyên tắc chính: (1) bảo vệ, duy trì cấu trúc và chức năng quan trọng của các hệ sinh thái (quản lý dựa vào hệ sinh thái); (2) liên kết, tích hợp các thành phần, chức năng của biển, thu hút sự tham gia của các bên liên quan trong quá trình quy hoạch (quản lý tổng hợp); (3) lập và triển khai liên tiếp các kế hoạch trên cơ sở giám sát, đánh giá, kế thừa và điều chỉnh hợp lý (quản lý thích ứng); (4) tuân thủ các đường lối, chính sách và phù hợp với các mục tiêu và định hướng chiến lược phát triển kinh tế biển và quốc phòng, an ninh của Việt Nam; (5) tuân thủ các công ước, thỏa thuận, cam kết quốc tế liên quan đến biển mà Việt Nam là thành viên.
Mục tiêu của quy hoạch là bảo đảm sử dụng bền vững các vùng biển và hải đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Cụ thể là tăng cường năng lực quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển, hải đảo; giảm thiểu các mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng biển và hải đảo; góp phần bảo vệ, bảo tồn các giá trị tự nhiên, sinh thái, và chất lượng môi trường trên các vùng biển và hải đảo; làm căn cứ pháp lý để xây dựng và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển của các bộ, ngành và địa phương có biển.
Toàn cảnh buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá cao Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã chủ động tham vấn ý kiến các chuyên gia xây dựng quy hoạch sử dụng biển Việt Nam với cách tiếp cận khá phù hợp.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị Tổng cục tiếp thu ý kiến để tiếp tục hoàn thiện Quy hoạch, phải khẳng định vai trò của Quy hoạch là một quy hoạch mang tính tổng thể, là công cụ quản lý nhà nước hiệu quả, làm cơ sở để các ngành, địa phương khai thác, sử dụng biển hiệu quả; đồng thời, xác định rõ cơ sở khoa học và thực tiễn để lập quy hoạch và mối quan hệ với các quy hoạch khác để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả.
Đồng thời, Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam khi xây dựng Quy hoạch cần phân rõ các vùng khai thác sử dụng biển căn cứ vào tiềm năng, lợi thế so sánh về vị trí địa chính trị, kinh tế, xã hội, tài nguyên và môi trường và an ninh quốc phòng của từng vùng. Từ đó, phân vùng không gian biển theo mục đích sử dụng như khai thác khoáng sản, giao thông hàng hải, đánh bắt thủy hải sản, du lịch, bảo tồn đa dạng sinh học biển… Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường biển và hải đảo để làm cơ sở tiếp tục hoàn thiện quy hoạch sử dụng biển.
Bộ trưởng cũng đề nghị Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam nghiên cứu tham khảo thêm quy hoạch sử dụng biển của các nước khác; tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và nước ngoài; ý kiến của các Bộ, ngành liên quan để hoàn thiện Quy hoạch sử dụng biển Việt Nam với tầm nhìn dài hạn, tư duy khoa học - là công cụ quản lý nhà nước quan trọng định hướng cho các ngành, các địa phương khai thác, sử dụng biển hiệu quả, bền vững.
Nguồn: monre.gov.vn
TIN TỨC CHUNG
Leave a reply
Your email address will not be published. Required fields are marked *
Tin tức