Khí tượng

GS.TS Trần Hồng Thái: Nâng hoạt động của ngành Khí tượng Thủy văn lên tầm cao mới

5012
(TN&MT) - Bước sang năm mới 2020, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc phỏng vấn GS. TS Trần Hồng Thái - Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ TN&MT) về tầm nhìn chiến lược hoạt động ngành trong năm mới và giai đoạn tiếp theo.

PV: Thưa ông, năm 2019, hoạt động của ngành KTTV đã có bước tiến quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra... Ông có thể cho biết cụ thể hơn các hoạt động đó?

GS.TS Trần Hồng Thái:

Năm 2019, Tổng cục KTTV đã tiếp tục tập trung trọng tâm xây dựng, hoàn thiện thể chế phục vụ quản lý Nhà nước và triển khai thi hành pháp luật về KTTV Tổng cục đã tiến hành xây dựng và trình đến cấp có thẩm quyền: 1 Đề án, 1 Nghị định, 2 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 2 Thông tư thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ TN&MT; Xây dựng 7 Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Tổng cục tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện Luật KTTV, Luật Phòng Chống thiên tai và các văn bản dưới Luật. Xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm tra và thực hiện kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về KTTV sau khi được Bộ phê duyệt tại 9 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Nghệ An, Lai Châu, Hà Giang, Tuyên Quang, Đắk Nông, Đắk Lắk. Tăng cường quản lý các hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát KTTV; theo dõi các hoạt động KTTV thuộc các công trình bắt buộc phải quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu KTTV.

GS. TS Trần Hồng Thái - Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ TN&MT) 

Theo dõi, dự báo và cảnh báo sát diễn biến, tác động của 8 cơn bão, 3 áp thấp nhiệt đới, 15 đợt mưa lớn, 9 trận lũ. Đặc biệt là dự báo phục vụ khắc phục sự cố hồ chứa ở Đắk Nông và các sự kiện trọng đại của đất nước. Kịp thời đưa ra những nhận định sớm về diễn biến thiên tai trước 5-7 ngày để Chính phủ có những kế hoạch ứng phó phù hợp. Trong năm 2019, các loại hình thiên tai nguy hiểm khác như mưa lớn, nắng nóng, không khí lạnh gây rét đậm, rét hại đều được theo dõi chặt chẽ và dự báo, cảnh báo sớm với độ tin cậy đạt 75-90% nhờ vào các công nghệ mới được trang bị, trong cả lĩnh vực quan trắc và dự báo.

PV: Đâu là điểm nhấn của ngành KTTV nhất là trong việc đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, mạng lưới quan trắc, thưa ông?

GS.TS Trần Hồng Thái:

Hiện nay, Tổng cục KTTV đang quản lý 310 trạm quan trắc khí tượng bề mặt (bao gồm: trạm nông nghiệp, trạm bức xạ, trạm thủ công, trạm tự động); 27 trạm quan trắc khí tượng trên cao và ra đa thời tiết; 782 trạm đo mưa tự động; 404 trạm quan trắc thủy văn (bao gồm cả trạm thủ công và tự động); 27 trạm quan trắc hải văn; 180 trạm, điểm đo môi trường.

Ngành KTTV luôn đảm bảo hoạt động ổn định của hệ thống máy chủ, thực hiện chế độ trực kỹ thuật 24h/24h đảm bảo hệ thống viễn thông hoạt động thông suốt và thu thập, xử lý, chia sẻ số liệu đầy đủ kịp thời phục vụ dự báo, cảnh báo bão, lũ và truyền tin kịp thời cho Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng Chống thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng Chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp; phối hợp với Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT thực hiện kết nối và chia sẻ dữ liệu KTTV.

Năm 2019, với nguồn lực hợp tác quốc tế và sự nỗ lực của ngành KTTV, mạng lưới ra đa thời tiết của Tổng cục KTTV đã cơ bản hoàn thành đã đưa vào sử dụng 5 ra đa thời tiết mới, tích hợp và đồng bộ hóa mạng lưới ra đa thời tiết, hỗ trợ đắc lực cho công tác dự báo; 18 trạm phát hiện giông sét trong mạng lưới định vị sét toàn cầu được đưa vào sử dụng, đây là mạng lưới định vị sét đồng bộ đầu tiên của Tổng cục KTTV góp phần hiện đại hóa mạng lưới quan trắc của ngành KTTV cũng như nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai.

PV: Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động KTTV còn phải đối mặt với  những thách thức gì, thưa ông?

GS.TS Trần Hồng Thái:

Bên cạnh những kết quả ban đầu, hoạt động KTTV cũng còn những tồn tại làm chúng tôi rất trăn trở như: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đang trong quá trình xây dựng, chưa đầy đủ so với yêu cầu quản lý Nhà nước về KTTV. Tổng cục được kiện toàn nhưng chưa đầy đủ các chức năng quản lý Nhà nước - Theo quy định tại Điều 6 của Nghị định 07/2012/NĐ-CP ngày 9/2/2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành, lĩnh vực KTTV chưa được giao chức năng thanh tra chuyên ngành. Thực tiễn hoạt động KTTV thời gian qua cho thấy, đây là một khó khăn, bất cập, ảnh hưởng tới hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước lĩnh vực KTTV, nhất là trong bối cảnh hoạt động KTTV chuyên dùng (bao gồm cả tự nguyện và bắt buộc) ngày càng nhiều như hiện nay.

Nhiều vấn đề khách quan và chủ quan tác động đến lĩnh vực KTTV, như biến đổi khí hậu, hạn chế về khoa học công nghệ, mạng lưới trạm còn thưa, trình độ của cán bộ, kinh phí còn hạn hẹp, sự phát triển của kinh tế - xã hội, tham gia của các hoạt động KTTV chuyên dùng, cơ chế tài chính, nguồn kinh phí đầu tư của nhà nước có hạn, sự thu hút nguồn vốn xã hội hóa trong hoạt động KTTV còn hạn chế,… đặt ra nhiều khó khăn, thách thức mới cho công tác KTTV.

Thủ tục hành chính trong lĩnh vực KTTV chưa thu hút được nhiều sự tham gia của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Ý thức của cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ công trình KTTV chưa cao. Việc triển khai theo quy hoạch mạng lưới trạm quan trắc KTTV chưa đồng bộ.

Vườn Khí tượng trên đảo Bạch Long Vĩ. Ảnh: Việt Hùng

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, gắn với tuyên truyền, phổ biến kiến thức về KTTV còn nhiều hạn chế do hệ thống mạng lưới KTTV trải rộng khắp cả nước, trong đó, có những địa bàn thuộc vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt, kinh phí dành cho hoạt động chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

PV: Để vượt qua những khó khăn đó, thời gian tới, ngành KTTV sẽ làm gì để đầu tư, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống trang thiết bị và hệ thống mạng lưới quan trắc, truyền thông tin của ngành?

GS.TS Trần Hồng Thái:

Tổng cục đã đề ra định hướng phát triển chính trong những năm tới đó là: Tăng mật độ trạm quan trắc bề mặt và cao không (tự động); đầu tư trang thiết bị và hiện đại hóa hệ thống quan trắc, công nghệ dự báo và cảnh báo sớm; Nâng cao năng lực hệ thống công nghệ thông tin và truyền tin; nâng cao hiệu quả truyền thông dự báo, cảnh báo sớm và dịch vụ KTTV; cải thiện thể chế, chính sách...

Nâng cao năng lực hệ thống thông tin theo định hướng Quy hoạch và tối ưu hóa Trung tâm dữ liệu, hoàn thiện hệ thống quản trị dữ liệu tập trung, nâng cấp hệ thống tính toán hiệu năng cao, tăng cường ảo hóa hệ thống công nghệ thông tin tại Data Center, đầu tư hệ thống quản trị và giám sát hỗ trợ xử lý sự cố tức thời (24/7). Mở rộng hệ thống dữ liệu tập trung cho ngành KTTV phục vụ phòng chống thiên tai, thực hiện bảo mật và hệ thống truyền tin vệ tinh...

Tập trung năng lực nâng cao chất lượng dự báo hạn hán, xâm nhập mặn Đồng bằng sông Cửu Long, tăng cường dự báo hạn mùa, dự báo cường độ bão, tăng cường năng lực vận hành và ứng dụng mô hình dự báo số, nâng cao chất lượng dự báo hải văn, đồng hóa nhiều nguồn dữ liệu Radar, vệ tinh, dự báo mô hình số, hệ thống hướng dẫn phản ứng khi xảy ra lũ quét và sạt lở đất.

Hoàn thành tốt nhiệm vụ quan trắc KTTV phục vụ dự báo trong năm 2020. Đảm bảo sự hoạt động ổn định của hệ thống máy chủ; các hệ thống thông tin chuyên ngành KTTV liên lạc thông suốt trong mọi tình huống. Thu thập, xử lý, lưu trữ, truyền thông tin số liệu, dữ liệu KTTV đầy đủ, chính xác phục vụ dự báo và chỉ đạo PCTT.

PV: Để nâng tầm hoạt động KTTV, công tác đào tạo và truyền đạt kinh nghiệm trong nước cũng như quốc tế đối với các dự báo viên, quan trắc viên sẽ được chú trọng như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?

GS.TS Trần Hồng Thái:

Tổng cục chủ trương tận dụng mọi nguồn lực để đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức đặc biệt là đội ngũ tác nghiệp. Kết hợp nguồn vốn từ các dự án hợp tác quốc tế song phương, đa phương, Tổng cục đã triển khai kết nối đào tạo giữa các chuyên gia hàng đầu đến từ các nước có nền khoa học phát triển bậc nhất thế giới là Nhật Bản, Phần Lan, Na Uy...  với các chuyên gia, dự báo viên của Việt Nam trực tiếp xây dựng, khai thác, vận hành công nghệ dự báo hiện đại về dự báo thời tiết và cảnh báo sớm mưa lũ, trong đó, đặc biệt quan tâm công nghệ dự báo hạn ngắn, cực ngắn, và nâng cao chất lượng bản tin để góp phần hiệu quả hơn vào công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại thiên tai. 

Tính đến tháng 12/2019, đã có 58/63 tỉnh, thành phố có các trạm KTTV chuyên dùng và các công trình bắt buộc phải quan trắc đã có báo cáo về Tổng cục (433 công trình và chủ công trình phải quan trắc và cung cấp thông tin dữ liệu KTTV theo quy định). Bên cạnh đó, Tổng cục hướng dẫn, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân triển khai các quy định của Luật Khí tượng thủy văn và các văn bản liên quan trong phạm vi quản lý Nhà nước của Tổng cục.   

Thông qua các dự án, nhiệm vụ theo kế hoạch trong năm, đã có 246 lượt cán bộ, công chức, viên chức đặc biệt là đội ngũ dự báo viên và kỹ thuật viên khai thác vận hành đã được tham gia các khóa đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn trực tiếp trong nước và quốc tế. Trong năm 2019 đã có 23 cán bộ, công chức, viên chức được tham gia các khóa đào tạo tại các trường, 27 cán bộ, công chức, viên chức đã hoàn thành xong các khóa đào tạo đại học, thạc sỹ, tiến sỹ. Đây là nguồn nhân lực quan trọng để đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa ngành KTTV trong thập kỷ, tạo tiền đề quan trọng để ngành KTTV tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị Đảng, Nhà nước giao phó góp phần phục vụ hiệu quả công tác  phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Thông tin

Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ.

Địa chỉ: 660 Trưng Nữ Vương - Quận Hải Châu – Đà Nẵng

Điện thoại: 0236 3 618630 - Fax: 02363 618139

Email: webmaster@kttvttb.vn