Kinh tế - Chính trị - Văn hóa - Xã hội

Ánh mắt cầu cứu của “biểu tượng Đà Nẵng”

2494
 
 
Dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng của Cty Cổ phần Biển Tiên Sa - nơi có 25 cá thể Vooc đang sinh sống.

Có người bảo Đà Nẵng có ba nơi nhạy cảm. Một là bờ biển thì coi như đã “xong”. Hai là bờ sông Hàn hiện cũng đã “hòm hòm”. Điểm còn lại là Sơn Trà, hiện đang “dậy sóng” bởi dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng của Cty Cổ phần Biển Tiên Sa cùng với “quy hoạch tổng thể phát triển du lịch quốc gia Sơn Trà, TP. Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Nếu đề án này thành hiện thực, Sơn Trà sẽ “nát như tương” và những đàn voọc chà vá chân nâu - biểu tượng của Đà Nẵng tại APEC 2017 tới đây sẽ không còn đất sống.
Ngôi mộ hơn 170 năm của một người Mỹ

Nhiều người biết ở Sơn Trà có một “đồi hài cốt” hay còn gọi là nghĩa địa Y Pha Nho - nơi yên nghỉ của hơn 1.500 người lính phương Tây trong cuộc chiến 1858-1860 khi người Pháp và Tây Ban Nha nổ những phát súng đầu tiên xâm chiếm Việt Nam tại biển Đà Nẵng. Nhưng không nhiều người biết tại bán đảo Sơn Trà, trước khi có nghĩa địa Y Pha Nho đã từng “lưu xác” người lính hải quân Mỹ đầu tiên nằm lại Việt Nam có tên là William Cook - một người chơi nhạc trên chiến hạm Constitution (chiến hạm Thành Sắt Cổ) từ thời vua Thiệu Trị.

Chuyện bắt đầu từ Dennis M. Óbrien - cựu thủy quân lục chiến trong chiến tranh Việt Nam đóng ở Ðà Nẵng, tình cờ bắt gặp một đoạn viết về chuyến ghé lại 16 ngày của Constitution tại Việt Nam thời vua Thiệu Trị trong văn khố của Hải quân Hoa Kỳ: “Ngày 10 tháng 5 năm 1845, thủy thủ William Cook chết trên chiến hạm Constitution vì bịnh kiết lỵ. Chàng thanh niên William Cook gia nhập hải quân tháng 3 năm 1844, lãnh lương 10 Mỹ kim một tháng với nhiệm vụ chơi nhạc trên ban nhạc của chiến hạm”.

Và George Thomas, thợ mộc trên chiến hạm Constitution ghi lại trong nhật ký hiện còn lưu giữ hiện lưu giữ ở Bảo tàng Constitution tại Charlestown (Boston, Mỹ): “William Cook qua đời và được chôn trên bán đảo với tất cả những nghi lễ cần thiết. Cờ trên chiến hạm hạ xuống nửa cột để tang cho thủy thủ Cook. Ðêm xuống nhiều tàu lớn (Việt Nam) thả neo chung quanh chiến hạm Constitution nhưng không quá gần, để có thể đổ bộ sang Constitution. Hạm trưởng John Percival trước khi rời cảng đã tặng cho các tu sĩ Phật Giáo tại địa phương 2 ngàn Mỹ kim để lo chăm sóc phần mộ của thủy thủ Cook”.

Những ghi chép về cái chết William Cook đã thu hút Dennis M. Óbrien và sau ông đề nghị Sở Cựu chiến binh Việt Nam tiểu bang Massachusetts cấp 8 ngàn USD để sang Việt Nam tìm kiếm vết tích William Cook. Hành trình của Óbrien được nhà báo Peter Kneisel của Tạp chí Boston Globe ghi lại qua phóng sự “The Search For Seaman Cook” (Cuộc tìm kiếm thủy thủ Cook). Và ngôi mộ được tìm thấy vào ngày 16.4.2000. “Chúng tôi, cuối cùng, đã được một phút yên lặng với William Cook”, sau khi phát hiện ra “một ngôi mộ được chôn cất đúng vào nơi đã được ghi nhận. Tấm bia khắc tên Cook được đặt trong một trong hai ngôi miếu nhỏ bao bọc bởi một bờ đá thấp”.

Peter Kneisel còn nêu kế hoạch, trong năm 2001, thành phố Đà Nẵng sẽ thực hiện một đài tưởng niệm khắc chữ bằng hai thứ tiếng, Anh và Việt, đánh dấu sự hợp tác giữa quốc gia William Cook đã phục vụ và đất nước đã dành cho ông nơi an nghĩ cuối cùng. Điều đó, góp phần giúp khách du lịch, đặc biệt là khách Mỹ quan tâm hơn tới Đà Nẵng. Tất nhiên kế hoạch này chẳng bao giờ được quan tâm và đáng buồn hơn, theo nhà văn Trần Trung Sáng - một trong những người đầu tiên kể chuyện về William Cook trên báo chí Việt Nam thì mộ của William Cook sau đó đã bị một dự án xây dựng khu nghĩ dưỡng của Cty CP Biển Tiên Sa “xóa sổ” vào năm 2007. Và một người dân Đà Nẵng tên Đặng Hòa - người đưa tàu chở nhóm người của Óbrien đi tìm mộ William Cook vào năm 2000, khi được tin ngôi mộ sắp bị một dự án du lịch nằm đè lên mà không có một cơ quan chức năng nào can thiệp, ông đã thu hốt tất cả những gì còn lại tại ngôi mộ bỏ lên tàu, chở về dựng tạm lại tại bãi Đá Đen (cách vị trí cũ chừng 1km).

Vậy đó, một điểm đến và câu chuyện hay không tưởng được thay vì được các hướng dẫn viên du lịch say sưa kể mãi với bạn bè quốc tế đã bị xóa bỏ, chôn lấp không thương tiếc. Và mộ William Cook là một ví dụ điển hình về một Đà Nẵng gần như mất hết “những dấu chân lịch sử” bằng việc chôn lấp, xóa bỏ, đập phá… để nhường đất cho các dự án nhân danh phát triển…

Ánh mắt cầu cứu của “biểu tượng Đà Nẵng” ảnh 1
 Bức ảnh Vooc ôm con với ánh mắt tuyệt vọng của nhiếp ảnh gia Nguyễn Đăng Đệ.

Những ánh mắt tuyệt vọng…

Tôi bị ám ảnh bởi bức ảnh chụp con voọc mẹ vòng tay ôm voọc con với ánh mắt buồn mờ mịt và tuyệt vọng của nhiếp ảnh gia Nguyễn Đăng Đệ - trong muôn vàn những bức ảnh và poster về voọc chà vá chân nâu được đưa lên mạng suốt mấy hôm nay với thông điệp “giữ lấy Sơn Trà”. Hình như nó biết hết, hiểu hết những gì đang xảy ra chung quanh mình? Bùi Văn Tuấn - Trưởng phòng nghiên cứu khoa học Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet), người có hơn 10 năm gắn bó với những đàn voọc chà vá chân nâu trên đỉnh Sơn Trà và là người đầu tiên chụp ảnh voọc mang đi triển lãm trả lời bằng một câu chuyện khác.

Tuấn bảo “em lại ám ảnh với poster đen trắng xuất phát đầu tiên trên facebook Bao Trung Nguyen bởi cái nền màu đen, chữ trắng. Những con voọc đen trắng cùng chữ Sơn Trà bên dưới như những tấm bia lạnh cóng ở nghĩa địa Y Pha Nho bên cạnh đường vào khu du lịch Tiên Sa đang bị đào bới lở loét. Nó làm em liên tưởng đến hình ảnh của ngôi mộ cổ của William Cook giờ đã bị chôn vùi dưới 40 cốt nền resort. Xa hơn, nếu cứ đà này, Sơn Trà sẽ thành nấm mồ chôn mãi mãi những gia đình voọc với hơn 300 sinh linh và hàng trăm triệu sinh vật khác…”.

Tuấn bảo “nó biết và hiểu rất rõ là mình đang bị đe dọa bởi nó giống con người đến 94% hệ gen. Và theo quan sát nhiều năm của em, về tình cảm, yêu thương, sự sẽ chia, những người hàng xóm... có lẽ còn có tình người hơn nhiều người trong chúng ta”.

Hiện trên Sơn Trà có khoảng 300 con voọc chà vá chân nâu (được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam năm 2007 và vào danh sách các loài động vật cần được bảo vệ vô điều kiện của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới). Đây là một trong những quần thể voọc có số lượng lớn nhất trong thế giới tự nhiên, lại sống trong điều kiện dễ quan sát và bảo tồn nhất thế giới. Theo Bùi Văn Tuấn, trước đây voọc phân bổ đều trên bán đảo Sơn Trà. Tuy nhiên nhiều năm trở lại đây, do việc mở rộng và bê tông hóa các tuyến đường đi xuyên và vòng quanh bán đảo, cùng với việc xây dựng nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng… ở phía Đông Nam nên voọc bị dồn hết về phía Tây Bắc.

Nhưng ở những cánh rừng phía Tây Bắc, voọc cũng không được yên thân bởi theo như đề án “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch quốc gia Sơn Trà…” do Tổng cục Du lịch (Bộ VHTT&DL) thực hiện đã được Chính phủ thông qua mới đây, khu vực Tây Bắc của Sơn Trà có đến… 32 dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng! Trong đó các dự án “Cụm nghỉ dưỡng số 4 và 5; Khu nhà nghỉ sinh thái trên cây và khu Trường Mai” hiện đang là lãnh địa khu trú của hơn 160 cá thể voọc! Mới nhất, dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng của Cty Cổ phần Biển Tiên Sa đang làm “dậy sóng” dư luận cũng là nơi cư trú của 25 cá thể voọc.

Câu hỏi đặt ra là gần 200 cá thể voọc này sẽ chạy đi đâu khi cả 5 dự án này thành hiện thực? Và nếu có ở lại được thì chắc chắn cũng sớm về với nghĩa địa Y Pa Nho bởi sự chia cắt sẽ dẫn đến suy thoái do quan hệ cận huyết. Cũng theo Bùi Văn Tuấn, hiện Sơn Trà chỉ còn 1.000 ha vùng đệm. Và nếu tất cả các dự án trong quy hoạch đồng loạt thực hiện thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng lõi. Và ngoài 300 cá thể voọc với 90% thức ăn là lá cây, việc xây dựng còn ảnh hưởng đến 985 loài thực vật bậc cao với hàng triệu cây, trong đó có cây đa di sản 800 năm tuổi và 22 loại thực vật quý hiếm; 104 loài chim trong đó có 30 loài di trú đến từ khắp nơi trên thế giới rất hiếm gặp cùng 111 loài động vật phong phú và đặc hữu khác.

Có chút gì đó hơi mỉa mai khi voọc chà vá chân nâu được chọn làm biểu tượng của thành phố Đà Nẵng tại APEC 2017 sắp tới. Trước đó, voọc chà vá chân nâu đã được truyền thông trên nhà chờ xe buýt ở 25 điểm ở Đà Nẵng và thiệp chúc tết của chủ tịch thành phố, hơn 100.000 bì lì xì trong Tết cổ truyền… Cứu voọc đồng nghĩa với việc cứu Sơn Trà, nhưng xem ra mọi chuyện không còn nằm trong quyền tự quyết của chính quyền địa phương khi ngay cả đề án “quy hoạch tổng thể phát triển du lịch quốc gia Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” cũng do… Tổng cục Du lịch của Bộ VHTT&DL thực hiện, trong khi chủ nhà Đà Nẵng chỉ được quyền… góp ý vào dự thảo đề án! Không phải ngẫu nhiên mà những ngày này, người dân không chỉ của Đà Nẵng và ông Chủ tịch Hiệp hội Du lịch của thành phố này gửi tâm thư cầu cứu Thủ tướng…

Đà Nẵng sẽ kiến nghị Chính phủ điều chỉnh lại quy hoạch Sơn Trà

Hàng loạt vấn đề nóng tại Đà Nẵng như “DN cho tặng xe sang”, “tố cáo tài sản lãnh đạo”, “xâm hại rừng tại bán đảo Sơn Trà”... đã được đặt ra tại cuộc họp báo định kỳ Quý 1.2017 do UBND TP.Đà Nẵng tổ chức chiều 27.3. Trong đó, vấn đề được dư luận cả nước quan tâm nhất là vi phạm xây dựng của Cty CP Biển Tiên Sa, UBND TP.Đà Nẵng cho biết đã tham mưu Thành ủy rà soát lại toàn bộ các dự án du lịch, xét cần sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh lại quy hoạch trên bán đảo Sơn Trà với quan điểm là phải bảo vệ tài nguyên thiên nhiên quý giá - “lá phổi” xanh của Đà Nẵng.

Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng - Nguyễn Ngọc Tuấn - cho biết: “Sau khi lắng nghe dư luận và có những chỉ đạo từ T.Ư, UBND TP thống nhất báo cáo, tham mưu thường vụ Thành ủy xem xét, rà soát lại tất cả các dự án du lịch trên bán đảo Sơn Trà. Nếu phát hiện các dự án có nguy cơ xâm hại nghiêm trọng đến “lá phổi xanh” của TP, thì sẽ loại bỏ dự án, thậm chí kiến nghị Chính phủ điều chỉnh quy hoạch du lịch Sơn Trà.

Riêng đối với vi phạm xây dựng của Cty CP Biển Tiên Sa, quan điểm của TP là sẽ xử lý hành chính quyết liệt, tạm dừng công trình, xem xét tính hài hòa với môi trường để tiếp tục xử lý dứt điểm với quan điểm không nương nhẹ. T.HẢI - T.TRANG


Nguồn: laodong.com.vn

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Thông tin

Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ.

Địa chỉ: 660 Trưng Nữ Vương - Quận Hải Châu – Đà Nẵng

Điện thoại: 0236 3 618630 - Fax: 02363 618139

Email: webmaster@kttvttb.vn