Kinh tế - Chính trị - Văn hóa - Xã hội

Khai mở tiềm năng địa chất

2035
Ngày nay, chúng ta đang chứng kiến vai trò ngày càng lớn hơn của khoa học địa chất đối với nền kinh tế và đời sống xã hội. Ngoài những hoạt động điều tra, nghiên cứu cơ bản về địa chất, khoa học địa chất còn cung cấp những thông tin quan trọng về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên… Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Trần Tân Văn– Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản xung quanh vấn đề này.

Ông Trần Tân Văn– Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản 
PV: Những năm gần đây, ngành Địa chất Việt Nam đã phát hiện thêm hàng loạt những tầng địa chất mới, trong đó, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản có những đóng góp không nhỏ trong hoạt động này. Thưa ông, việc điều tra, phát hiện các tầng địa chất có phải là nhiệm vụ quan trọng xuyên suốt của Viện hay không?
Ông Trần Tân Văn: Những hệ tầng, thành hệ, phức hệ địa chất được các nhà địa chất xác lập trong quá trình điều tra cơ bản, đo vẽ, lập bản đồ địa chất, tìm kiếm khoáng sản và những năm gần đây là hàng loạt những nghiên cứu triển khai khác. Tuy vậy, đó là cả một quá trình tích lũy, kế thừa của hàng chục, hàng trăm năm điều tra, nghiên cứu, của hàng chục, hàng trăm nhà địa chất.
Việc xác lập một phân vị địa chất mới đòi hỏi rất nhiều tiêu chí và đó không phải là một công việc dễ dàng, cũng như hệ quả của công việc đó là rất to lớn, lâu dài, song lại không dễ mô tả trong một vài ý ngắn ngủi. Các nhà khoa học của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã có những đóng góp không nhỏ trong công việc này, nhưng chắc chắn đó không phải là những thành tích của riêng cá nhân hoặc của riêng Viện. Với chức năng là một Viện nghiên cứu cơ bản về các quá trình, hiện tượng địa chất đã và đang diễn ra trên lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam cùng những hệ quả của chúng, đây đúng là một nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của Viện.
 PV: Trong quá trình điều tra, Việt Nam có những tiềm năng địa chất gì đặc biệt, thưa ông?
Ông Trần Tân Văn: Trước đây và theo cách hiểu truyền thống, cứ nói đến địa chất là có vẻ như xã hội lại liên hệ ngay với khoáng sản, nhưng ngày nay, chúng ta đang chứng kiến vai trò ngày càng lớn hơn của khoa học địa chất vào nền kinh tế, vào đời sống xã hội. Ngoài những hoạt động điều tra, nghiên cứu cơ bản về địa chất, qua đó, cung cấp cho xã hội những thông tin nền tảng, phục vụ cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau như: khai thác khoáng sản, giao thông, xây dựng... ngày nay, khoa học địa chất còn cung cấp  nhiều thông tin quan trọng không kém về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ sức khỏe con người, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên...
Khái niệm khoáng sản truyền thống ngày nay, đã được mở rộng để trở thành tài nguyên địa chất, bao gồm cả dầu khí, khoáng sản dưới đáy biển, khoáng sản phi truyền thống, khoáng sản ẩn sâu, tài nguyên nước, địa nhiệt, nước nóng - nước khoáng, di sản địa chất... Nếu nhìn từ góc độ đó, Việt Nam có tiềm năng tài nguyên địa chất khá phong phú, đa dạng. Tuy vậy, tôi sẽ không nói rằng, đất nước ta rất giàu có về tài nguyên địa chất. Đất nước ta không lớn, dân số nước ta cũng khá đông và đặc biệt nếu chúng ta không biết sử dụng các tài nguyên địa chất một cách hợp lý, bền vững. Dù giàu có đến mấy, chắc sẽ có lúc hết - tài nguyên địa chất nói chung là rất hữu hạn, không tái tạo.
Ngay lúc này, nếu nói về một dạng tài nguyên địa chất đặc biệt, có thể sử dụng mãi mãi cho muôn đời sau, tôi sẽ muốn nói đến các di sản địa chất và về dạng tài nguyên địa chất này, có thể nói là đất nước ta khá giàu có.
Trên phạm vi cả nước, chúng ta có thể bắt gặp các di sản địa chất ở đủ mọi kiểu dạng, quy mô, giá trị... nếu nhận thức được chúng, biết cách trân trọng, gìn giữ, khai thác, sử dụng hợp lý, chúng có thể tồn tại mãi mãi và đem lại lợi ích cho xã hội, cộng đồng. Một số ví dụ có thể kể đến là hàng nghìn hòn đảo ở Vịnh Hạ Long, các hang động ở Phong Nha - Kẻ Bàng và nhiều nơi khác, các hồ nước - miệng núi lửa cổ ở Tây Nguyên... Bảo tồn, bảo vệ chúng, dưới hình thức thành lập các công viên địa chất và đưa vào phục vụ du lịch, tất nhiên cùng với nhiều giá trị di sản khác về văn hóa, lịch sử, đa dạng sinh học... - đó chính là cách khai thác, sử dụng hợp lý, bền vững.

PV: Qua công tác điều tra của Viện, cũng như đối chiếu với các tiêu chí của UNESCO về xây dựng - xếp hạng Công viên địa chất, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển công viên địa chất với đủ các cấp độ. Tuy vậy, cho đến nay, Việt Nam mới có duy nhất Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận Công viên địa chất toàn cầu. Ông có thể cho biết nguyên nhân?
Ông Trần Tân Văn: Đúng là Việt Nam rất có tiềm năng phát triển các công viên địa chất ở đủ mọi cấp độ, từ địa phương, quốc gia đến quốc tế. Theo đánh giá của chúng tôi, ở nước ta có thể hình thành khoảng 30 công viên địa chất quốc gia và khoảng 10 - 15 công viên địa chất toàn cầu, kiểu như Cao nguyên đá Đồng Văn của tỉnh Hà Giang và cỡ khoảng 30 công viên địa chất cấp tỉnh khác. Nếu để ý rằng, trong suốt 50 - 60 năm qua, chỉ có 3 khu vực ở Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới, 10 khu vực được công nhận là Khu dự trữ Sinh quyển Thế giới, 8 khu vực được IUCN công nhận là Khu Ramsar của thế giới, tiềm năng di sản địa chất và công viên địa chất ở Việt Nam là đáng kể.
Cho đến nay, Việt Nam mới chỉ có Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu từ năm 2010. Đúng là có hơi chậm nhưng trong suốt thời gian từ đó đến nay, các nhà địa chất cũng không ngồi không. Từ năm 2012, chúng ta đã bắt tay xây dựng một Chương trình quốc gia về bảo tồn di sản địa chất, phát triển và quản lý mạng lưới công viên địa chất ở Việt Nam và đến năm 2014, chương trình đó đã được Chính phủ phê duyệt.
Từ năm tới, một số hoạt động điều tra, đánh giá tiềm năng di sản địa chất và công viên địa chất sẽ được triển khai và chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng sẽ đẩy nhanh tốc độ hình thành các công viên địa chất lên trên phạm vi toàn quốc. Cũng từ năm 2015, một số địa phương như: Đắk Nông, Quảng Ngãi, Cao Bằng, Gia Lai, Phú Yên... đã chủ động bắt tay vào tìm hiểu mô hình này, đã hình thành các công viên địa chất cấp tỉnh. Trong một vài năm tới, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng sẽ có thêm một hoặc hai khu vực được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu. Nhận thức là cả một quá trình và chúng tôi cho rằng, quãng thời gian qua là để nhận thức và quãng thời gian tới, sẽ là hành động.
PV: Từ khi Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, Hà Giang đã có những thay đổi về kinh tế - xã hội, tuy vậy, với địa hình là vùng cao, nên sẽ những khó khăn nhất định. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Ông Trần Tân Văn: Nếu bây giờ, bạn lên Hà Giang, sẽ cảm nhận một sức sống mới, một luồng gió mới. Trước kia, chúng tôi lên đó, còn vắng vẻ. Một năm, Hà Giang chỉ đón nhận chừng 30.000 lượt khách du lịch. Còn mấy năm trở lại đây, con số đó đã là hơn 500.000 người. Hà Giang đang hướng đến một con số khiêm tốn, bền vững, khoảng 1.000.000 lượt người vào năm 2020.
Bây giờ, người Hà Giang đã và đang nói đến hiện tượng quá tải và đã bắt đầu bàn đến việc tính ngưỡng chịu tải môi trường của khu vực này. Một số dự án lớn đã và đang được triển khai để nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, điện, viễn thông và đặc biệt là nước sạch. Chúng tôi, với sự hỗ trợ của Bộ KH&CN và Bộ TN&MT, hiện đang cùng đối tác CHLB Đức triển khai một dự án cấp nước bằng công nghệ bơm không dùng điện, nếu thành công, sẽ giải quyết căn bản vấn đề thiếu nước sạch phục vụ sinh hoạt - một vấn nạn Hà Giang đã và đang phải đối mặt hàng mấy chục năm qua.
Thiếu nước sạch, một cuộc sống bình thường cho người dân sở tại cũng nan giải, chứ chưa nói đến chuyện thu hút khách du lịch. Chúng ta hy vọng trong một vài năm tới, bộ mặt của Hà Giang và đặc biệt là bộ mặt của Cao nguyên đá Đồng Văn, sẽ sáng sủa hơn nữa.
PV: Với tư cách là nhà nghiên cứu địa chất, một chuyên gia trong lĩnh vực này, ông có những khuyến nghị cũng như ý tưởng nào cho việc phát triển những tiềm năng địa chất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội?
Ông Trần Tân Văn: Trong một vài năm tới, chắc chắn ngành địa chất sẽ có những đóng góp to lớn hơn nữa cho sự nghiệp bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Chúng ta sẽ xây dựng nhiều hơn nữa các công viên địa chất, sẽ tìm kiếm thêm các nguồn năng lượng, các dạng khoáng sản mới, khoáng sản phi truyền thống, khoáng sản ẩn sâu và đặc biệt là tài nguyên biển... Chiến lược phát triển ngành địa chất đã thể hiện rõ điều đó. Tuy vậy, có điều là cuộc sống của những người làm công tác địa chất còn nhiều khó khăn, nhiều người chưa thể an tâm công tác. Tôi nghĩ rằng, địa chất là một nghề vất vả, cần nhận được sự quan tâm hơn nữa của Nhà nước. Chúng ta đang rất cần nâng cao năng lực cho đội ngũ các nhà địa chất. Chúng ta không thiếu ý tưởng, nhưng cần có những chính sách khuyến khích mạnh mẽ hơn nữa, để họ có thêm động lực đưa các ý tưởng, các tiềm năng địa chất vào phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: monre.gov.vn
 

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Thông tin

Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ.

Địa chỉ: 660 Trưng Nữ Vương - Quận Hải Châu – Đà Nẵng

Điện thoại: 0236 3 618630 - Fax: 02363 618139

Email: webmaster@kttvttb.vn