Kinh tế - Chính trị - Văn hóa - Xã hội

Kiểm soát xung đột lợi ích khu vực công

1803
Ngày 9.11, đại diện Ngân hàng Thế giới tại VN phối hợp với Thanh tra Chính phủ công bố nghiên cứu, khảo sát “Kiểm soát xung đột lợi ích trong khu vực công: Quy định và thực tiễn ở VN”.
Nhóm nghiên cứu thuộc hai đơn vị trên đã phỏng vấn 2.647 người, trong đó có 570 người dân, 596 doanh nghiệp, hơn 1.400 cán bộ công chức và dữ liệu thu thập ở 10 tỉnh thành, 5 bộ ngành.
Tặng quà có nguy cơ là “thông lệ”
Có 6 lĩnh vực hoạt động trong khu vực công được “soi” dưới lăng kính xung đột lợi ích gồm: cung cấp dịch vụ công; bổ nhiệm và tuyển dụng; quản lý đấu thầu; cấp phép, phê duyệt dự án; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Qua đó nhóm nghiên cứu cho biết có 4 hình thức tác động phổ biến: tặng quà/nhận quà bằng tiền và hiện vật; đầu tư chia sẻ lợi ích; sử dụng lợi thế thông tin để vụ lợi; ra quyết định hoặc tác động có lợi cho người thân.
Kết quả khảo sát chỉ rõ gần 70% số doanh nghiệp và cán bộ công chức có biết rõ việc tặng, nhận quà cho rằng mục đích tặng quà chủ yếu là giúp giải quyết công việc. Cán bộ công chức và doanh nghiệp đều cảm nhận chung là tặng quà đã trở thành “trào lưu”, “thông lệ”, thậm chí “luật chơi”. Nhiều doanh nghiệp tặng quà để không bị “phân biệt đối xử” trong khi cán bộ công chức tặng quà cho cấp trên để “thể hiện sự biết điều”. Theo nhóm nghiên cứu, quy định này có sự khác biệt nhiều so với nhiều nước trên thế giới, chẳng hạn ở Mỹ, Hàn Quốc, Singapore... các cán bộ ngoài việc không được trực tiếp nhận quà còn phải ngăn không cho vợ/chồng, họ hàng thân thích được nhận quà.
Kết quả khảo sát trong hoạt động đấu thầu và bổ nhiệm cán bộ cho thấy có nhiều tỷ lệ và nhận định đáng lo ngại. Để thắng thầu trong một dự án, có tới 38% doanh nghiệp cho rằng do chạy chọt và 50% doanh nghiệp cho rằng do ưu ái cho người thân. Đối với việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, có khoảng 20% cán bộ công chức cho rằng yếu tố “con cháu và có quan hệ với lãnh đạo” là quan trọng, song có tới 35% cán bộ công chức biết rõ trường hợp lãnh đạo tuyển dụng người thân. “Có cán bộ công chức còn khẳng định tại cơ quan mình chỉ tuyển 10 người nhưng đã có tới 100 người con em trong ngành “gửi gắm” từ cấp vụ trở lên, chưa kể ngoài ngành đã tạo nên sức ép kinh khủng”, báo cáo trích dẫn lời cán bộ được hỏi.
Phải làm rõ “đúng quy trình” là gì
Góp ý thêm cho báo cáo, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao, đưa ra nhiều ví dụ mà theo bà đó là xung đột lợi ích: “Ở VN có chuyện công ty cổ phần hóa không tặng quà mà bị người nhà lãnh đạo gọi điện ghi mua cổ phần nhưng không đóng tiền, nếu không ghi cổ phần thì quá trình cổ phần hóa cũng đổ bể, không thực hiện được. Việc này còn nghiêm trọng hơn việc nhận quà”, hay “trong chuyện đấu thầu thì quan chức lập ra công ty sân sau do vợ con, người thân lãnh đạo, khi tổ chức đấu thầu ông tới dự và không cần phải nói gì, đơn vị tổ chức phải tự biết mà chấm thầu cho công ty đó nếu không muốn gặp rắc rối”.
Cũng theo bà Kim Hạnh, luật Phòng chống tham nhũng quy định hạn chế việc đưa người thân vào những vị trí thuận lợi nhưng không nêu rõ hạn chế là như thế nào nên mới có chuyện cựu bộ trưởng phải kiểm điểm vì bổ nhiệm con trai. “Gần đây dư luận báo chí nói nhiều về việc không đúng luật pháp nhưng đúng quy trình. Cái từ này cần nghiên cứu. Quy định không rõ sau đó khi họ làm sai họ lại đổ cho quy trình”, bà Kim Hạnh đề nghị.
Đồng tình với ý kiến này, TS Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng “lỗi” là do luật đã không làm rõ và quy định về xung đột lợi ích. Ông nói: “Nếu xung đột lợi ích phải tránh là nguyên tắc thì nó sẽ điều chỉnh mọi quy trình để không còn chuyện cha bổ nhiệm con ở một bộ”.
Báo cáo của nhóm nghiên cứu nhận định trong nhiều văn bản pháp luật hiện nay quy định nhiều việc cán bộ, công chức không được làm nhưng vẫn thiếu khung khái niệm cụ thể, do đó cần phải đưa vào luật các khái niệm về xung đột lợi ích và cơ chế để kiểm soát. Trong đó đề nghị sửa đổi các quy định về tặng và nhận quà tặng; điều chỉnh các quy định về tham gia các hoạt động ngoài công vụ sau khi nghỉ làm việc trong cơ quan nhà nước, đồng thời tăng cường kiểm soát về tài sản thu nhập.
 
nguồn: thanhnien.vn

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Thông tin

Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ.

Địa chỉ: 660 Trưng Nữ Vương - Quận Hải Châu – Đà Nẵng

Điện thoại: 0236 3 618630 - Fax: 02363 618139

Email: webmaster@kttvttb.vn