Kinh tế - Chính trị - Văn hóa - Xã hội

Môi trường bị ô nhiễm: Đừng để cá

1556

Hồ Tây không chỉ là là góc lãng mạn nhất trong bức tranh Hà Nội mà còn được coi là “lá phổi” của thủ đô với diện tích khoảng 500 ha cung cấp nước điều hòa cho phần lớn vùng tây bắc Hà Nội. Không những thế, với chiều dài 17km quanh hồ, còn là nơi để cư dân ven hồ chạy bộ, tập thể dục, hít thở không khí trong lành mỗi sáng…

Thế nhưng giờ đây những “tiện ích” mà “lá phổi” này mang lại đang đứng trước nguy cơ đe dọa bị xóa sổ bởi 200 tấn cá chết vừa qua khiến toàn bộ mặt hồ và những vùng lân cận “bốc mùi”.

Trong vòng một năm qua, không chỉ có cá chết ở ven biển miền Trung mà có đến hơn 30 vụ cá chết lớn nhỏ xảy ra khắp các tỉnh thành từ Bắc vào Nam, với tổng thiệt hại có thể lên tới cả nghìn tấn cá. Đi kèm với nó là tình trạng ô nhiễm môi trường, bao gồm cả ô nhiễm nguồn nước, không khí, đất,… gây hậu quả nghiêm trọng cả trước mắt và lâu dài đối với đời sống của hàng triệu người dân.

Cá chết dày đặc mặt hồ Tây . Ảnh Hoàng Minh
Cá chết dày đặc mặt Hồ Tây . Ảnh Hoàng Minh

Ở ngay Hà Nội, đầu tháng 6, hàng tấn cá chết tại hồ Hoàng Cầu đến nay vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng từ các cơ quan chức năng cho dù dân cư khu vực quanh hồ cho biết nước ở khu vực này đã bị ô nhiễm nặng.

Và cho đến vụ cá chết ở Hồ Tây, ngay giữa lòng Thủ đô Hà Nội khiến dư luận không khỏi lo lắng. Nhà chức trách cho hay chưa bao giờ cá chết tại hồ Tây lại nhiều đến vậy, đây là hiện tượng bất thường, hàm lượng amoniac trong nước đang cao gấp 3 lần tiêu chuẩn cho phép. Theo Ban quản lý Hồ Tây, mỗi ngày khoảng 4.000 m3 nước thải chưa qua xử lý từ các nhà hàng, quán ăn uống và người dân sinh sống xung quanh đổ xuống hồ. Kết quả phân tích mẫu nước gần đây cho thấy, hàm lượng amoniac cao gấp 3 lần tiêu chuẩn cho phép. Nước ô nhiễm sẵn nên chỉ cần thay đổi thời tiết là cá có thể chết.

Nhiều cơ quan chức trách của Thành phố Hà Nội đã vào cuộc, Bộ Công an cũng đã vào cuộc để tìm nguyên nhân cá chết ở Hồ Tây, nhưng cho đến thời điểm hiện tại, tất cả vẫn dừng ở mức “Đang điều tra tìm nguyên nhân làm cá chết”.

Người dân băn khoăn đặt câu hỏi: Liệu sau cá chết ở Hồ Tây, tiếp theo cá sẽ chết ở hồ nào? Sau những sự việc trên thì cơ quan quản lý đã làm gì và chịu trách nhiệm đến đâu? Ai là người phải chịu trách nhiệm và đền bù cho những người bị thiệt hại một cách trực tiếp và nhiều người bị thiệt hại gián tiếp khi môi trường sống bị ô nhiễm, khi nguồn nước ô nhiễm, không khí ô nhiễm, sông hồ, biển bị ô nhiễm?...

Có lẽ không chỉ nhà chức trách mới phải trả lời những câu hỏi này, bởi ý thức của chính những người dân cũng góp phần làm nên câu chuyện “cá chết Hồ Tây” hôm nay. 

Chúng ta đang hằng ngày tàn phá môi trường sống của chính mình theo nhiều cách, vô tình hoặc cố ý. Từ các công trình xây dựng sai lầm, khai thác mỏ trái phép, đánh bắt tận diệt, hay chính những thói quen xả rác thải, nước thải sinh hoạt hàng ngày một cách tùy tiện… đều đã và đang dần dần hủy hoại môi trường sống tự nhiên.

Hãy nhìn bài học ngày hôm nay để thay đổi, vì môi trường sống trong tương lai. Đừng để "cá chết oan"!

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Thông tin

Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ.

Địa chỉ: 660 Trưng Nữ Vương - Quận Hải Châu – Đà Nẵng

Điện thoại: 0236 3 618630 - Fax: 02363 618139

Email: webmaster@kttvttb.vn