Kinh tế - Chính trị - Văn hóa - Xã hội

Vơi đầy Cửu Long

2156
 
Ảnh: MH
“Mê Công” nghĩa là sông mẹ. Suốt hành trình từ núi Tây Tạng đổ ra biển Đông, sông mẹ đã che chở, nuôi nấng hàng chục triệu cư dân tại 6 quốc gia: Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Lào, Campuchia và Việt Nam. Về đến đất Việt, “người mẹ” ấy căng mình trải rộng khắp gần 40 ngàn cây số vuông và sản sinh ra nền văn hóa sông nước đặc sắc đất Cửu Long, làm nên một trong những vùng đồng bằng trù mật nhất thế giới.
1. Năm 2016, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nằm hạ nguồn sông mẹ Mê Công vừa chống chọi với đợt đại hạn lịch sử kèm hàng loạt hệ lụy như: xâm nhập mặn, thiếu nước, mất mùa… Mực nước sông Cửu Long đã xuống thấp tới mức lịch sử.
Mực nước xuống thấp là bởi dòng chảy từ đầu nguồn sông Mê Công về giảm mạnh, thấp hơn năm 2015 đến gần 50%. Thậm chí, vào lúc 19 giờ 50 phút ngày 18/10/2016, mực nước cao nhất năm tại sông Cửu Long đạt đỉnh thì cũng vẫn thấp hơn trung bình nhiều năm tới 70 - 80cm.
Mực nước thấp gây thiếu nước, nghiêm trọng hơn là nước mặn từ biển lấn sâu vào nội đồng. Toàn bộ 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bị xâm nhập mặn. 10 tỉnh đã công bố thiên tai, trong đó, nhiều tỉnh công bố cấp độ 2.
Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, độ mặn đo được từ cuối năm 2015 đến giữa năm 2016 tại hầu hết các trạm, luôn ở mức cao hơn năm 2015 và trung bình nhiều năm (TBNN). Độ mặn tại một số trạm vùng cửa sông lên tới 30g/l (cao hơn TBNN từ 4 - 14g/l). Nước mặn đã lấn vào những vùng trước kia chưa bao giờ tới. Kỷ lục là ở khu vực sông Vàm Cỏ, nước mặn lấn sâu vào tới hơn 100 cây số, vào sâu hơn trung bình nhiều năm đến 20 - 30km. Ở các cửa sông Tiền, sông Hậu, lưỡi mặn cũng tiến vào 65km, đều sâu hơn trung bình nhiều năm.
Những màu mỡ của phù sa, những ngọt ngào của dòng nước từ cao nguyên đổ xuống đã nhường chỗ cho khô hạn, mặn đắng trên vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Gần 20 triệu dân Đồng bằng sông Cửu Long điêu đứng vì mất sinh kế từ nông nghiệp. Từ “trù phú” vốn để nói về mảnh đất này trước kia có lẽ giờ không còn thực sự chính xác.
Theo ước tính của Bộ NN&PTNT Việt Nam, đợt khô mặn lịch sử này làm ảnh hưởng đến khoảng 160.000 ha lúa của Đồng bằng sông Cửu Long. Khoảng 800.000 tấn lúa đã mất trắng. Các tỉnh thiệt hại nặng nhất trong đợt hạn hán này là Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre, Bạc Liêu. Ước tính thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng và phải mất vài ba năm nữa, đời sống người dân mới được phục hồi.
El Nino kéo dài kỷ lục qua 3 năm 2014 - 2015 - 2016, vắt kiệt Đồng bằng sông Cửu Long đã kết thúc. Thế nhưng hệ lụy của nó vẫn kéo dài thêm vào năm 2017. Do lượng nước từ thượng nguồn về thấp từ năm 2016 nên mực nước trên sông Cửu Long ở mức thấp và chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều. Điều đó có nghĩa là thiếu nước và xâm nhập mặn sẽ vẫn là mối lo cho người dân nơi đây.
2. Nhìn dòng sông mẹ trên đất Cửu Long giờ đây đang vật lộn với hạn, mặn, lũ bất thường, thiếu hụt phù sa; nhìn những cư dân ven sông vất vả mưu sinh trên mảnh đất này ngày một khốn khó mà chạnh nghĩ về những gì mà sông mẹ đã ban tặng cho cư dân đất này từ ba ngàn năm qua.
Đồng bằng sông Cửu Long là kiến tạo tương đối mới. Lịch sử nền văn minh sông nước ở Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu từ thiên niên kỷ thứ I trước Công nguyên. Cùng là đồng bằng song Đồng bằng sông Cửu Long có sự khác biệt cơ bản Đồng bằng sông Hồng ở cách khai thác tài nguyên. Nếu cư dân phía Bắc đã tập trung vào công cuộc trị thủy và thủy lợi, trong đó, lấy trị thủy làm trọng, cư dân miền Nam lại rất chú ý đến việc làm thủy lợi kết hợp với mở mang giao thông đường thủy, tận dụng và khai thác tối ưu mặt nước, tìm cách sống chung với nước. Chính vì vậy, ở miền Đồng bằng sông Cửu Long có một mùa nước nổi.
Mùa nước nổi là mùa lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long, kéo dài từ tháng 7 Âm lịch đến tháng 10 Âm lịch hàng năm. Ở Campuchia cũng có mùa lũ này nhưng “mùa nước nổi” là tên gọi đặc trưng của vùng sông nước Nam Bộ.
Mặc dù là hiện tượng lũ lụt nhưng lại không phải là thiên tai đối với toàn bộ dân cư nơi đây. Mùa nước nổi tạo điều kiện cho đất đai canh tác nông nghiệp được nghỉ ngơi, rửa trôi và làm ngập chìm các nguồn sâu bệnh cho cây trồng nông nghiệp, cung cấp một lượng phù sa màu mỡ cho thổ nhưỡng trong toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Cùng với con nước lũ đỏ ngầu mang đẫm phù sa, là các loài cá lội theo vào ruộng đồng đẻ trứng, sinh sôi. Đến mùa nước nổi khi chưa bận trồng cấy, người nông dân đóng đáy bắt cá dọc theo các kênh rạch. Người dân kể rằng, trước 1975, cá nhiều tới mức lưới không chịu nổi phải giở lên thả bớt.
Vậy mà hai năm 2014, 2015, miền Tây hoàn toàn mất mùa nước nổi. Năm 2016, mùa nước nổi chỉ về đôi chút đâu chừng một tháng vào khoảng tháng 10, tháng 11. Vậy thôi cũng đủ cho nỗi mong chờ. Có lão nông gọi nước lũ lên đỉnh vào giữa tháng 10 là “bàn thắng phút 89”. Thế nhưng những mẻ lưới cứ vơi dần mỗi năm, cá cứ nhỏ đi theo từng mùa nước nổi. Ngụp lặn mưu sinh ngày một khó khăn hơn trước biến đổi khí hậu, thiên nhiên hà khắc.
Nhưng biến đổi khí hậu chỉ là một trong những nguyên nhân đẩy dòng sông mẹ đến mức khô kiệt và mặn đắng như hiện nay. Còn phải kể đến mỗi quốc gia trên dòng chính sông Mê Công đều muốn “cát cứ” sông mẹ cho riêng mình, để phục vụ công cuộc phát triển kinh tế của mình, khai thác tài nguyên một cách riêng lẻ. Thủy điện phát triển ồ ạt, không nghe tham vấn, không bỏ qua lợi ích láng giềng. Khai thác cát không theo quy hoạch đã làm thay đổi dòng chảy khiến nạn sạt lở hai bên bờ sông trầm trọng. Còn phải kể đến việc phá rừng đầu nguồn đã khiến những dòng nước lũ trở nên hung bạo, có thể nhấn chìm mọi thứ trên đường đi.
Cả con người và biến đổi khí hậu đã và đang làm dòng sông mẹ đau đớn đến cùng kiệt sau khi đã hiến dâng màu mỡ cho cư dân ven sông bao đời.
 

 

3. Người Khơ me – nhóm người được xem là khai phá vùng đất sông nước Cửu Long đầu tiên từ thế kỷ 7 -  hàng năm, đều tổ chức lễ hội đua ghe ngo mừng mùa nước nổi. Họ còn gọi đây là lễ hội nước, diễn ra vào ngày rằm tháng 10 Âm lịch. Họ cầu sông mẹ, sông thiêng thôi cơn cuồng nộ, sao cho luôn luôn được mưa thuận gió hòa, giúp nông dân được mùa tôm cá dưới sông và lúa gạo trên khắp ruộng đồng.
 

Để được như vậy, có lẽ cần nhìn nhận hệ thống sông Cửu Long nằm trong tổng thể chung của sông Mê Công. Cần nhìn nhận sông như một thực thể có tính cách, tâm hồn, biết cho biết nhận, chứ không mãi chỉ là một tài nguyên mà con người cứ khai thác, khai thác đến kiệt quệ.

PGS.TS Lê Anh Tuấn (Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu - Đại học Cần Thơ), cho rằng, tài nguyên từ sông đang mai một, xâm nhập mặn gia tăng có thể là cơ hội nào đó, thúc đẩy sự thay đổi và khuyến khích các chính sách hướng ra biển.

Đó là một hướng. Nhưng để các cư dân sông hướng ra biển cần khá nhiều thời gian. Vậy tại sao không tiếp tục phát triển nền nông nghiệp vốn đã là thế mạnh của vùng. Năm 2016, Báo Lao động đã đưa sự kiện Bạc Liêu được Chính phủ chọn làm nơi phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong nuôi tôm là một trong 10 sự kiện tiêu biểu của vùng. Điều này vừa phát triển lợi thế nuôi trồng thủy sản vừa nâng được giá trị nông sản Việt Nam. Chuyển cơ cấu cây trồng, áp dụng công nghệ cao là hai điểm mấu chốt để Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục khai thác tiềm năng sông nước.

Lễ hội ghe ngo chắc sẽ luôn được tổ chức dù mùa nước nổi có về nữa hay không. Nhưng để giữ mãi tinh thần của lễ hội này là tôn vinh sông mẹ, cầu mưa thuận gió hòa, có lẽ con người cần nỗ lực, đoàn kết, sáng tạo và biết vì sông mẹ nhiều hơn.

Nguồn: monre.gov.vn

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Thông tin

Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ.

Địa chỉ: 660 Trưng Nữ Vương - Quận Hải Châu – Đà Nẵng

Điện thoại: 0236 3 618630 - Fax: 02363 618139

Email: webmaster@kttvttb.vn