Kinh tế - Chính trị - Văn hóa - Xã hội

Bảo vệ môi trường: Vấn đề cấp bách - góc nhìn đa chiều

3568

Nhằm cung cấp cho các Đại biểu Quốc hội những góc nhìn đa chiều về công tác bảo vệ môi trường, chiều 09/11 tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Báo Đại biểu nhân dân tổ chức diễn đàn “Bảo vệ môi trường - những vấn đề cấp bách”.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà (giữa), Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân (trái) và Tổng Biên tập Báo Đại biểu nhân dân (phải) chủ trì diễn đàn chiều 09/11 tại Hà Nội
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà (giữa), Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân (trái) và Tổng Biên tập Báo Đại biểu nhân dân Đỗ Chí Nghĩa (phải) chủ trì diễn đàn chiều 09/11 tại Hà Nội

Tham dự diễn đàn có Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, Tổng Biên tập Báo Đại biểu nhân dân Đỗ Chí Nghĩa, cùng đại diện lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, hơn 150 Đại biểu Quốc hội đại diện lãnh đạo các đoàn Đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành cùng lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ NT&MT.

Cần lựa chọn mô hình phát triển ít ảnh hưởng đến môi trường

Phát biểu tại diễn đàn, Tiến sỹ Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ TN&MT cho biết: Trong thời gian từ đầu năm 2016 tới nay, trên toàn quốc đã xảy ra nhiều vụ việc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khiến dư luận xã hội bức xúc. Tình trạng ô nhiễm môi trường và suy kiệt tài nguyên thiên nhiên ngày càng nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của người dân, gây bức xúc trong xã hội.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà  phát biểu tại diễn đàn chiều 9/11
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại diễn đàn chiều 9/11

Nêu ra thực trạng này Bộ trưởng mong muốn tất cả mọi người cùng có nhận thức vấn đề môi trường của thế giới, của Việt Nam đang là thách thức “sống còn” đối với trái đất, với nhân loại, với sự phát triển bền vững. Việc lựa chọn mô hình phát triển nào ít ảnh hưởng đến môi trường, đem lại hạnh phúc và chất lượng sống cho người dân khi thế giới hội nhập.

“Đã đến lúc chúng ta không thể đi theo mô hình phát triển cũ. Trước đây, phát triển kinh tế trong bảo vệ môi trường, nhưng bây giờ phải bảo vệ môi trường trong phát triển, trong từng dự án đầu tư, trong chiến lược, quy hoạch. Bởi vậy, cần nhanh chóng bắt nhịp xu hướng của thế giới là nền kinh tế xanh và kinh tế các bon thấp, đó cũng là khẳng định mối quan hệ cơ cấu giữa kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ môi trường, trong đó ngành công nghiệp môi trường rất được nhấn mạnh” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.

Về nhiệm vụ của ngành Tài nguyên và Môi trường trong thời gian tới, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, giải pháp trước mắt là lập quy hoạch bảo vệ môi trường với cách tiếp cận liên vùng, liên ngành nhằm phục vụ tái cơ cấu kinh tế. Bên cạnh đó, cũng cần rà soát, chấn chỉnh các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm cao đã hoạt động, đang chạy thử, đang xây dựng… để đưa ra lộ trình rõ ràng nhằm phối hợp với các địa phương xử lý các vấn đề về môi trường nếu có theo đúng các quy định của pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường của Quốc hội - ông Phan Xuân Dũng phát biểu tại diễn đàn
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường của Quốc hội - ông Phan Xuân Dũng phát biểu tại diễn đàn

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, cũng cần sớm ban hành hệ thống tiêu chí đánh giá sản phẩm và danh mục công bố công khai các ngành công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm lớn để có những biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường có thể xảy ra…

Cần có kênh truyền thông chuyên biệt về môi trường

PGS. TS Đỗ Chí Nghĩa, Tổng Biên tập Báo Đại biểu nhân dân cho rằng, trong công tác bảo vệ môi trường, truyền thông là phương tiện hữu hiệu trong việc phát hiện, vạch trần những hành vi, cơ sở vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, tạo sức mạnh công luận lên án những hành vi gây ô nhiễm môi trường.

Đồng thời, truyền thông còn nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường; biểu dương những điển hình tiên tiến đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ môi trường, từ đó, lôi kéo, cổ vũ nhiều người cùng ý tưởng chung tay vì môi trường chung. Truyền thông bảo vệ môi trường là việc làm đặc biệt quan trọng và cần thiết.

PGS. TS Đỗ Chí Nghĩa - Tổng Biên tập Báo Đại biểu nhân dân phát biểu tại diễn đàn chiều 9/11 tại Hà Nội
PGS. TS Đỗ Chí Nghĩa - Tổng Biên tập Báo Đại biểu nhân dân phát biểu tại diễn đàn chiều 9/11 tại Hà Nội

Sau khi phân tích những vấn đề cần chú ý từ hoạt động truyền thông về bảo vệ môi trường, PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa đã nêu một số giải pháp điều chỉnh để nâng cao hiệu quả truyền thông. Cụ thể: Thứ nhất, cần có thêm những kênh truyền thông chuyên biệt, hiệu quả về môi trường và phát triển bền vững về môi trường;

Thứ hai, tăng cường truyền thông về các sáng kiến bảo vệ môi trường, các công nghệ bảo vệ môi trường phù hợp với điều kiện hiện nay; Thứ ba, cần tránh thái độ nôn nóng, phê bình gay gắt, miệt thì quá mức hành vi vi phạm về môi trường. Cần nhận thức đây là một quá trình, cần quan tâm đến điều kiện, nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp để tìm giải pháp phát triển vững và bảo vệ môi trường.

Thứ tư, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật và các thông tin về môi trường cho cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cũng như định hướng dư luận trong những hoạt động thiết thực bảo vệ môi trường; Thứ năm, cần tăng cường tính công khai, minh bạch thông tin qua nhiều kênh khác nhau. Thông tin càng công khai, minh bạch, kịp thời, càng giảm thiểu được rủi ro, đồn đoán, gây bất lợi cho việc thực thi các chính sách và công cụ về bảo vệ môi trường, tránh gây mất niềm tin, để kẻ xấu lợi dụng và cuối cùng thiệt hại nhất vẫn là người dân…

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đàon ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Dương Minh Tuấn (bìa trái) và Tổng Biên tập Báo TN&MT Hoàng Văn Thành tại diễn đàn
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Dương Minh Tuấn (bìa trái) và Tổng Biên tập Báo TN&MT Hoàng Văn Thành tại diễn đàn

Phân công, phân cấp rõ trách nhiệm quản lý nhiệm vụ BVMT

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phùng Đức Tiến, quá trình phát triển và hội nhập cũng đặt ra những thách thức mới về vấn đề ô nhiễm môi trường cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế nước nhà.  Ông Phùng Đức Tiến cho rằng, để đạt mục tiêu phát triển mang tính bền vững trong tương lai chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Trước hết, phải phân công, phân cấp rõ trách nhiệm quản lý nhiệm vụ BVMT. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để người dân, các tổ chức hiểu được, chấp hành, làm đúng các quy định BVMT. Nếu không có nhận thức đúng thì khó hành động đúng. Làm sao để cả cộng đồng hiểu được môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của mọi người. Làm sao công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật phải được đẩy mạnh với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Các đại biểu tham dự diễn đàn
Các đại biểu tham dự diễn đàn

Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện các quy định pháp luật liên quan phải định hướng cho một giai đoạn phát triển bền vững, trong đó phát triển kinh tế phải gắn với bền vững môi trường. Khi mời gọi đầu tư, kiểm soát công nghệ, kiểm soát môi trường phải được thực hiện nghiêm túc. Bên cạnh hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, thì hoạt động thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý cũng phải song hành.

Còn theo Đại biểu Hà Sỹ Đồng - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị thì: Tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội cần phải được gắn với bảo vệ môi trường bền chặt. Hay nói các khác được về môi trường, cũng được về KT-XH, tất cả phải phát triển hài hòa. Có thể khẳng định, lâu nay một số địa phương, một số cơ sở sản xuất chưa thật sự quan tâm về môi trường… vì quá mải chạy theo kinh tế mà xem nhẹ công tác giám sát, thanh, kiểm tra.

Nhiều vụ việc xảy ra thời gian gần đây đang làm xói mòi lòng tin của xã hội, đã trở thành bài học quá lớn, ảnh hưởng đến một bộ phận không nhỏ người dân. Riêng với môi trường, việc siết chặt công tác quản lý nhà nước, thanh, kiểm tra sẽ không bao giờ là muộn. “Theo tôi, chúng ta cần khung pháp lý, xây dựng các bộ tiêu chí đánh giá tác động môi trường theo tinh thần chặt chẽ, nghiêm khắc, phải coi lợi ích của người dân là trên hết” - Ông Hà Sỹ Đồng cho hay.

Những kiến nghị với Quốc hội

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu bảo vệ môi trường trên quan điểm phát triển bền vững và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, trong thời gian tới Bộ TN&MT kiến nghị Quốc hội, các vị Đại biểu Quốc hội một số nội dung như:

Tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác bảo vệ môi trường; tăng cường các hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội về bảo vệ môi trường, tập trung vào các vấn đề nóng, gây bức xúc trong xã hội.

Chỉ đạo rà soát, sửa đổi các các luật về môi trường và các luật có liên quan bảo đảm đồng bộ, thống nhất, giảm chồng chéo, xung đột, chồng lấn; bám sát thực tế, theo kịp tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước, diễn biến nhanh và mức độ phức tạp của các vấn đề môi trường.

Xem xét, thảo luận, có chủ trương thu hút đầu tư phát triển gắn với bảo vệ môi trường, không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, hạn chế tiến tới loại bỏ các loại hình sản xuất gây ô nhiễm môi trường, tiêu tốn năng lượng, tài nguyên, hiệu quả kinh tế thấp, các dự án có công nghệ sản xuất lạc hậu; có cơ chế đột phá thu hút đầu tư, huy động nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường; đa dạng hoá nguồn lực đầu tư cho BVMT; các nguồn thu từ môi trường ưu tiên đầu tư trở lại cho bảo vệ môi trường…


Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Thông tin

Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ.

Địa chỉ: 660 Trưng Nữ Vương - Quận Hải Châu – Đà Nẵng

Điện thoại: 0236 3 618630 - Fax: 02363 618139

Email: webmaster@kttvttb.vn