Môi trường

Khó xử việc “mang ô nhiễm từ đồng bằng lên miền núi”

1490

Sau khi tỉnh Quảng Nam có chủ trương di dời nhà máy thép Việt Pháp từ thị xã Điện Bàn lên huyện miền núi Nam Giang, có nhiều ý kiến phản đối cho rằng việc di dời nhà máy thép này sẽ mang ô nhiễm từ đồng bằng lên miền núi, nơi đầu nguồn sông Vu Gia, làm ảnh hưởng đến nguồn nước…

 

Nhà máy thép xin hỗ trợ trăm tỉ để di dời?

Ngày 3/10 vừa qua, ông Trần Úc – Chủ tịch thị xã Điện Bàn – đã có báo cáo về tình hình hoạt động của nhà máy thép Việt Pháp (thuộc Công ty TNHH thép Việt Pháp) tại cụm công nghiệp (CCN) Thương Tín 1 (phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

Người dân dựng lều trước cổng nhà máy thép ở phường Điện Nam Đông (thị xã Điện Bàn) phản đối nhà máy gây ô nhiễm
Người dân dựng lều trước cổng nhà máy thép ở phường Điện Nam Đông (thị xã Điện Bàn) phản đối nhà máy gây ô nhiễm

 

Theo báo cáo này, nhà máy thép Việt Pháp hoạt động từ năm 2012 đến nay với công nghệ lò cảm ứng trung tần, nguyên liệu để sản xuất ra phôi thép 100% là thép phế liệu cộng với phụ gia, công suất 48.000 tấn/năm.

Nhà máy thép này gây ô nhiễm môi trường và làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam từ năm 2014, UBND huyện Điện Bàn lúc bấy giờ (nay là thị xã Điện Bàn) đã ngồi lại cùng với công ty và cơ quan chức năng để tìm giải pháp.

Địa điểm cụm công nghiệp Đại Nghĩa 2 (xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc) được chọn để lập kế hoạch di dời. Tuy nhiên, sau này, doanh nghiệp lại chọn vị trí là thôn Hoa (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang) để đặt nhà máy.

Trong văn bản báo cáo do ông Trần Úc – Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn - ký có nêu: Theo kế hoạch di dời nhà máy do Công ty TNHH thép Việt Pháp đưa ra có đề nghị Nhà nước hỗ trợ nguồn kinh phí 123,85 tỉ đồng mới có điều kiện tổ chức thực hiện. Với số tiền đề nghị hỗ trợ nêu trên thì thị xã Điện Bàn không có khả năng về ngân sách để bồi thường, hỗ trợ nhà máy thép.

Vị trí dự định sẽ đặt nhà máy thép tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang
Vị trí dự định sẽ đặt nhà máy thép tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang

 

Về việc này, ông Trần Úc dẫn Khoản 2, Điều 2 Quy chế ban hành kèm theo quyết định số 86/2010/QĐ-TTg ngày 22/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định đối với cơ sở ngoài công lập, tổ chức và doanh nghiệp không có vốn nhà nước phải di dời, việc tạo nguồn vốn, quản lý và sử dụng nguồn thu được từ vị trí cũ thì được bồi thường, hỗ trợ theo quy định, trong khi đó đất vị trí cũ tại CCN Thương Tín (phường Điện Nam Đông) chuyển nhượng hoặc cho thuê trả tiền hằng năm hoặc giao đất thu tiền 1 lần cũng không đủ số tiền hỗ trợ cho Công ty TNHH thép Việt Pháp thực hiện di dời như đề nghị của công ty.

Mới chỉ là “chủ trương” để khảo sát vị trí?

Tại thôn Hoa (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang), nơi dự kiến sẽ được đặt nhà máy thép, nhiều người dân phản đối vì lo sợ sẽ ô nhiễm. Ông Nông Văn Quảng, từ tỉnh Cao Bằng vào đây lập nghiệp từ năm 1991 cho biết, nhà máy thép hoạt động sẽ làm đảo lộn cuộc sống bà con. Ông cho rằng, khí thải ra của nhà máy thép bay xa 5-6 km chắc chắn dân sẽ bị ảnh hưởng.

Thứ 2, theo ông nếu nhà máy này xử lý chất thải không đạt tiêu chuẩn ra môi trường theo khe xuống sông thì dân ở dưới Đại Lộc cũng bị chứ không riêng ở đây. Nếu mình chỉ nhìn vào góc độ kinh tế mà không nhìn về môi trường thì tai hại rất lớn.

Vừa qua, chính quyền thị trấn Thạnh Mỹ cũng đã tổ chức họp với 17 hộ dân tại thôn Hoa để thông báo những thông tin liên quan đến dự án nhà máy luyện cán thép Việt Pháp. Tại cuộc họp này, đa số người dân đều lên tiếng phản đối.

Ông Kaphu Tân (Chủ tịch UBND thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang) cho biết, kể từ cuộc họp đó đến nay ông không có thêm thông tin về dự án này. Ông nói không hiểu lý do tại sao UBND tỉnh ký công văn cho phép khảo sát tại thôn Hoa. Đối với chính quyền địa phương sẽ làm công văn đề nghị UBND huyện và Công ty lấy ý kiến của toàn nhân dân thôn Hoa.

Về vấn đề ô nhiễm của nhà máy thép, trao đổi với PV Dân trí, ông Huỳnh Khánh Toàn – Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam – cho hay, trước đây ông cũng đã đến nhà máy khảo sát, thực chất nhà máy này chỉ có mùi hôi trong quá trình nấu thép phế thải và tiếng ồn, còn nước thải không đáng kể vì nhà máy này không phải luyện phôi từ quặng.

Ông Toàn cũng cho hay, vị trí tại thôn Hoa cũng chỉ là do doanh nghiệp đề xuất. Các ngành chức năng còn phải khảo sát, đánh giá và quan trọng nhất là lấy ý kiến của người dân. Nếu người dân đồng thuận thì làm, không thì sẽ tìm giải pháp khác.

Chiều ngày 6/10, trao đổi với PV Dân trí về việc di dời nhà máy thép từ thị xã Điện Bàn lên huyện Nam Giang đang nóng lên về vấn đề ô nhiễm, ông Nguyễn Hồng Quang – Chánh Văn phòng tỉnh Quảng Nam – cho hay, nhà máy này chỉ ô nhiễm tiếng ồn và bụi chứ không phát sinh nước thải.

Ông Quang khẳng định, tỉnh cương quyết chủ trương không đánh đổi môi trường, không phải vì dự án mà bất chấp tất cả. Trước đây khi đặt nhà máy tại Điện Bàn cũng có đánh giá tác động môi trường nhưng thực tế cũng có ảnh hưởng đến môi trường, dân cũng phản ảnh.

Ông nói: “Tỉnh ngoài việc thu hút đầu tư thì luôn đồng hành với doanh nghiệp, nếu như trong quá trình sản xuất có vấn đề gì thì tỉnh sẽ cùng với doanh nghiệp khắc phục sự cố. Bây giờ có phương án nào tốt hơn thì tỉnh sẽ nghiên cứu phương án đó chứ đây không phải là một dự án mới hoàn toàn”.

“Trước đây, tỉnh đã thống nhất đặt nhà máy tại huyện Đại Lộc nhưng sau này vị trí tại huyện Nam Giang. Trước mắt phải có khảo sát để có thỏa thuận địa điểm mới đánh giá các vấn đề liên quan như đánh giá tác động môi trường…”, ông Nguyễn Hồng Quang cho hay.

Nguồn: dantri.com.vn

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Thông tin

Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ.

Địa chỉ: 660 Trưng Nữ Vương - Quận Hải Châu – Đà Nẵng

Điện thoại: 0236 3 618630 - Fax: 02363 618139

Email: webmaster@kttvttb.vn