Môi trường

Kiếm soát và quản lý công nghệ yếu: Môi trường chịu thảm họa

1762

Tại phiên thảo luận về dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) mới đây, các Đại biểu Quốc hội đã nhận định: Sự yếu kém trong kiểm soát và quản lý công nghệ đã tạo ra lỗ hổng để công nghệ lạc hậu lọt vào Việt Nam. Điều này đã gây nên những sự cố môi trường như tràn bùn thải Tây Nguyên, Formosa ở Hà Tĩnh…

Kiểm soát công nghệ lỏng lẻo

Theo Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, hoạt động chuyển giao công nghệ là vấn đề rất quan trọng vì vị thế của một quốc gia gắn chặt với trình độ công nghệ của quốc gia đó. Tuy vậy, tốc độ đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp thời gian qua rất thấp, chưa đạt như mong muốn (10%/năm), một số ngành, lĩnh vực như nhiệt điện, xi măng, mía đường, luyện cán thép, khai khoáng… vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu.

Trên thực tế nhiều dự án, nhất là các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, công nghệ được chuyển giao cho Việt Nam phần lớn không phải các công nghệ tiên tiến, đa số chỉ đạt mức trung bình. Nhiều trường hợp là công nghệ cũ, lạc hậu, thậm chí có dây chuyền còn xếp vào loại thanh lý. Điều này sẽ đẩy Việt Nam đến với nguy cơ trở thành bãi rác thải và phải đối phó với các sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nhiều ý kiến cho rằng, nguy cơ này sẽ thành hiện thực nếu khâu thẩm định, giám sát công nghệ của các dự án, nhà máy còn bất cập, lỏng lẻo như hiện nay.

Sự yếu kém trong kiểm soát đã tạo ra lỗ hổng để công nghệ lạc hậu lọt vào Việt Nam. Ảnh: Hoàng Minh
Sự yếu kém trong kiểm soát đã tạo ra lỗ hổng để công nghệ lạc hậu lọt vào Việt Nam. Ảnh: Hoàng Minh

Đơn cử như việc Formosa đã làm sai thiết kế cơ sở, chuyển đổi công nghệ luyện cốc là dập khô sang dùng công nghệ dập ướt nhưng việc thay đổi này các cơ quan chức năng không nắm được và nó chỉ bị phát hiện khi có sự cố cá chết. Sau sự việc Formosa là sự cố vỡ bục đường ống chứa xút nhà máy sản xuất Alumin Tân Rai (Lâm Đồng), rò rỉ đường ống dẫn xút tại Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ (Đăk Nông) khiến người dân lo ngại với công nghệ khai thác bauxite. Lãnh đạo 2 địa phương này phải thừa nhận nhà thầu Trung Quốc Chalieco hiện nay vẫn đang sử dụng công nghệ thải ướt. Đây là công nghệ không phù hợp với đặc thù của những nhà máy đặt tại Tây Nguyên vì phải chống chịu với mùa mưa kéo dài, khí hậu ẩm ướt.

Đại biểu quốc hội Lê Minh Thông (Thanh Hóa) cho rằng, vì không có sự kiểm soát và quản lý công nghệ không có phân công phân cấp thẩm định giám sát công nghệ, nhất là nhóm công nghệ khuyến khích chuyển giao nên đã tạo ra những lỗ hổng trong việc chấp thuận chủ trương đầu tư của các dự án đầu tư. Chính những lỗ hổng của pháp luật về quản lý công nghệ này nên thực tế đã phát sinh những thảm họa về môi trường mà hiện nay chúng ta đang phải gánh chịu và nỗ lực khắc phục, điển hình như các dự án bô-xít ở Tây Nguyên, Formosa ở Hà Tĩnh, mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên, Nhà máy nhiệt điện Nam Định, Nhà máy đạm Ninh Bình

Lỗ hổng pháp lý

Việc đưa vào sử dụng công nghệ cũ kỹ, lạc hậu, cùng các sai phạm về quy trình công nghệ sản xuất của nhiều dự án đã đến lúc cần được “báo động đỏ”. Trong khi đó, vai trò quản lý của các cơ quan Nhà nước lại yếu.

Có ý kiến cho rằng, xét về lĩnh vực quản lý KH&CN đối với các dự án sản xuất, ngoài các dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, các dự án khác đều cần phải có ý kiến của Bộ KH&CN, Sở KH&CN các tỉnh, thành phố, nơi dự kiến triển khai dự án. Mặc dù vậy, vai trò của các cơ quan này lại rất mờ nhạt. Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc: Hiện nay, trong quá trình thẩm định các dự án, Bộ KH&CN chỉ được tham gia ở khâu tiền khả thi, ở giai đoạn này, tất cả mọi thứ còn sơ bộ, chưa có nội dung cụ thể, ngay cả vấn đề về công nghệ. Bộ KH&CN cũng chỉ có thể cho ý kiến xem công nghệ của dự án có thuộc danh sách bị cấm hay không, còn lại các quy trình công nghệ cụ thể như thế nào, kiểm soát môi trường khí thải ra sao thì không được tham gia thẩm định trực tiếp.

Ngay như dự án của Formosa, những phần liên quan đến công nghệ, thiết kế công nghệ của dự án này đều do Bộ Công Thương duyệt. Đây là một lỗ hổng trong chính sách đầu tư hiện nay.

Bên cạnh đó, các văn bản Luật cũng còn nhiều bất cập. Tại phiên thảo luận về dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) tuần vừa qua, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) đã khẳng định, sở dĩ 10 năm qua nhiều công nghệ lạc hậu lọt vào Việt Nam, gây hậu quả nghiêm trọng là do thiếu bộ tiêu chuẩn đánh giá công nghệ, thiếu bộ tiêu chuẩn về năng lực của các tổ chức đánh giá thẩm định công nghệ và còn thiếu cơ chế kiểm tra chéo để đảm bảo không có khe hở cho những đối tượng vì ham lợi vẫn cố tình lách luật. Các quy định của Luật Chuyển giao khoa học, công nghệ năm 2006 chưa chặt chẽ và đủ mạnh.

Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, tới đây cần bổ sung bộ tiêu chuẩn về công nghệ làm cơ sở để việc đánh giá, thẩm định và đảm bảo cho việc chuyển giao công nghệ một cách lâu dài không bị lỗi thời. Đưa vào luật những ràng buộc, chế tài cần thiết và hình thành liên kết tam giác thực chất có trách nhiệm giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp để thúc đẩy thương mại hóa một cách hiệu quả các kết quả nghiên cứu.

Đặc biệt, cần có những quy định để ràng buộc trách nhiệm. Bởi hiện nay, nhiều dự án khi đã thẩm định xong, hoàn tất quy trình, thủ tục mới phát hiện ra công nghệ đó không đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước. Bài học của chúng ta rất nhiều như xi măng lò đứng, các vấn đề sản xuất nhiệt điện than hiện nay.

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Thông tin

Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ.

Địa chỉ: 660 Trưng Nữ Vương - Quận Hải Châu – Đà Nẵng

Điện thoại: 0236 3 618630 - Fax: 02363 618139

Email: webmaster@kttvttb.vn