Môi trường

Nước sạch và vệ sinh môi trường:

1576

Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được Chính phủ phê duyệt đã mang lại “luồng gió mới” làm “thay da, đổi thịt” nhiều vùng nông thôn. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau cho tới nay nhiều địa phương vẫn chưa hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến đầu năm 2015, cả nước có 84,5% người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Trong đó, vùng có số người được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh nhất vẫn là Đông Nam Bộ với 94,5%, ĐBSH 91% và ĐBSCL 88%. Tỷ lệ dân được tiếp cận nước hợp vệ sinh thấp nhất là Bắc Trung Bộ - 81% dù đây là vùng có số hộ dân nông thôn cao thứ 4 trong 7 vùng toàn quốc.

Kết quả thực hiện của Chương trình cũng cho thấy, tỉ lệ số dân được sử dụng nước hợp vệ sinh tăng đáng kể qua các năm (84,5% năm 2014 so với 32% năm 1998). Tuy nhiên, tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch còn rất thấp, mới chỉ đạt 42% theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Trong số đó, cũng chỉ khoảng 32% hộ được dùng nước từ các công trình cấp nước tập trung, còn lại là từ các công trình nhỏ lẻ như giếng đào, giếng khoan, bể nước mưa... 

Một dòng kênh tại Hải Dương bị cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm
Một dòng kênh tại Hải Dương bị cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy qua kiểm tra các cơ sở cấp nước trên 1000 m3/ ngày/ đêm, một số chỉ tiêu không đạt thường gặp là nhiễm vi sinh và chất hữu cơ ở những khu vực thường bị ngập lụt như ở một số tỉnh thuộc ĐBSCL. Chỉ tiêu Nitrit, Nitrat cao hơn tiêu chuẩn cho phép do nguồn nước khai thác bị ô nhiễm hoặc quy trình xử lý nước không đảm bảo, mạng lưới bể chứa, đường ống rò rỉ...

Mặc dù chất lượng nước sạch nông thôn được quan tâm trong những năm gần đây nhưng thực tế, năng lực và nguồn lực để  kiểm soát chất lượng nước ở nhiều địa phương còn hạn chế. Đến nay, mới chỉ khoảng 50% Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh có phòng phân tích chất lượng nước. Nguồn kinh phí hàng năm dành cho hoạt động này cũng còn rất hạn chế.

Tỉ lệ trường mầm non, phổ thông và trạm y tế xã nông thôn được sử dụng nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh khá cao - trên 90%. Tuy nhiên số hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh mới chỉ đạt 63% và số hộ chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh đạt 45%.

Theo ý kiến của các bộ, ngành, tập quán sinh hoạt lạc hậu của người dân nông thôn ở nhiều vùng đồng bằng và miền núi cũng là tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Số liệu thống kê cho thấy, đến đầu năm 2015 vẫn còn tới 5% hộ gia đình (tập trung chủ yếu ở vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên và vùng duyên hải Nam Trung Bộ) chưa có nhà tiêu và 12% hộ gia đình sử dụng nhà tiêu ao cầu (chủ yếu tập trung ở khu vực phía Nam, ĐBSCL).

Theo báo cáo của Chương trình nông thôn mới, tới nay, đã nâng cấp hơn 1.000 công trình nước sạch tập trung, 500 bãi thu gom rác thải, 1.200 cống rãnh thoát nước thải vệ sinh. Tuy nhiên theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT), cơ chế chính sách chưa đủ mạnh đã làm chậm tiến trình xã hội hóa chương trình nước sạch. Năng lực quản lý điều hành, sự quan tâm của các cấp chính quyền về thúc đẩy mục tiêu vệ sinh và nhận thức của người dân cũng hạn chế. Nhiều công trình cấp nước có chất lượng chưa cao, thiếu đồng bộ, không đảm bảo nguồn lực để duy tu, bảo dưỡng các hệ thống cấp nước trong quá trình khai thác dẫn đến 27% các công trình cấp nước hoạt động kém hiệu quả.

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Thông tin

Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ.

Địa chỉ: 660 Trưng Nữ Vương - Quận Hải Châu – Đà Nẵng

Điện thoại: 0236 3 618630 - Fax: 02363 618139

Email: webmaster@kttvttb.vn