Kinh tế - Chính trị - Văn hóa - Xã hội

Phát triển “nóng”, Đà Nẵng đối diện nguy cơ ngập úng

5793
Đà Nẵng hiện đang đối diện với hệ quả của quy hoạch “nóng” trong tổng thể quy hoạch phát triển, nhất là trong lĩnh vực quản lý tài nguyên môi trường, hệ thống xả thải. Trận mưa lịch sử đầu tháng 12-2018 nhấn chìm nhiều khu vực của thành phố trong biển nước.

Mấy ngày qua, mưa lớn, sóng biển dâng cao khiến bờ biển bị xâm thực mạnh, cát bồi lấp nhiều cửa xả ven biển, gây sạt lở nghiêm trọng.

 
Biển xâm thực nghiêm trọng bờ biển Đà Nẵng tại cửa xả Mỹ An.

Vấn đề ô nhiễm môi trường, hệ thống thoát nước hoạt động không hiệu quả, xả thải trộm ra môi trường biển… là những nội dung nổi cộm được cử tri TP Đà Nẵng quan tâm, nêu ý kiến, làm nóng các chương trình nghị sự, các kỳ họp, tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng, đại biểu HĐND thành phố. Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cho biết, sau 10 năm thực hiện đề án thành phố môi trường, Đà Nẵng đã khắc phục 7 trong số 13 điểm nóng môi trường; đạt 5 trong số 10 tiêu chí xây dựng thành phố môi trường, gồm chỉ số ô nhiễm không khí, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch (đạt 96,5%), tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý (đạt 82%), tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các quận nội thành (đạt 95%), diện tích bình quân cây xanh đô thị (đạt 7,3 m2/người). Hiện thành phố có hơn 100 mô hình hoạt động về bảo vệ môi trường trong cộng đồng, có tám dự án lĩnh vực môi trường với tổng vốn đầu tư 6.808 tỷ đồng. Từ những nỗ lực này, Đà Nẵng đã đạt được nhiều danh hiệu quốc tế về môi trường như giải thưởng “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN” năm 2011; giải thưởng “Phong cảnh thành phố châu Á”, 20 thành phố xanh – sạch – đẹp năm 2013; giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2015 và năm 2018, được Tổ chức WWF quốc tế công nhận danh hiệu “Thành phố Xanh quốc gia Việt Nam”, được Hiệp hội đô thị Việt Nam bình chọn Đô thị xuất sắc trong phong trào xây dựng đô thị Xanh – Sạch – Đẹp…

Trước đây, đến mùa mưa bão, một số tuyến đường, khu vực trung tâm Đà Nẵng bị ngập úng cục bộ. Tuy nhiên, tình trạng này cơ bản được các ngành chức năng khắc phục. Nhưng đến đầu tháng 12-2018, sau trận mưa lịch sử với lượng nước lớn nhất từ trước đến nay, lần đầu Đà Nẵng “thất thủ vì nước ngập tứ bề. Nhiều khu vực trung tâm thành phố ngập hoàn toàn, bị cô lập, nhiều vùng ven các quận Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, huyện Hòa Vang, người dân trở tay không kịp. Hệ quả là hơn 50 khu vực dân cư bị ngập úng sâu, 10 công trình thu gom, thoát nước trong đô thị và cửa xả ven biển bị hư hỏng nặng. Xuất hiện nhiều điểm sạt lở khu vực đồi núi, ven sông, ven biển, kênh nước, thiệt hại công trình cấp điện, cấp nước. Các bãi biển Đà Nẵng ngập rác với tổng lượng rác thu gom (từ ngày 10 đến 15-12-2018) trung bình 1.100 đến 1.200 tấn/ngày, vượt mức bình thường từ 200 đến 300 tấn rác/ngày. Hệ thống thoát nước của thành phố bắt đầu bộc lộ sự cũ kỹ, lạc hậu, chưa theo kịp sự phát triển của đô thị hướng biển. Nhiều tuyến chưa phát huy tác dụng, nhất là khả năng thích ứng với điều kiện thời tiết ngày càng cực đoan như hiện nay.

Theo Trưởng ban Đô thị – HĐND thành phố Nguyễn Thành Tiến, nguyên nhân trước hết là do tính toán quy hoạch thoát nước của thành phố chưa dự báo hết các khả năng ứng phó với điều kiện thời tiết biến đổi cực đoan, chưa dự báo được sự phát triển của đô thị. Vì vậy, cần rà soát, đánh giá lại quy hoạch tổng thể thoát nước của thành phố. Từ đó, nhận diện những khu vực yếu thế, những khu vực phát triển tập trung của đô thị để cập nhật, bổ sung, tích hợp vào quy hoạch chung thành phố sắp được thực hiện; trên cơ sở quy hoạch, tính toán nâng cấp các tuyến cống hiện trạng, đầu tư tuyến mới bảo đảm năng lực thoát nước phù hợp.

Từ năm 2016, biến đổi khí hậu làm nhiều diện tích bờ biển bị xâm thực nghiêm trọng. Diện tích nhiều bờ biển bị cát bồi lấp, kè biển bị cuốn trôi. Sau mỗi trận mưa, bãi biển Đà Nẵng lại tiếp nhận một lượng rác rất lớn.

Hiện nay, từ khu vực biển Nguyễn Tất Thành đến khu vực cuối, tiếp giáp với địa phận Quảng Nam. Bờ biển bị xâm thực nghiêm trọng, sạt lở, xói mòn, nhiều cửa xả bị cát bồi lấp. Sức tàn phá của thiên nhiên, biến đổi khí hậu ngày càng nặng nề. Nhiều nhà hàng ven biển bị sóng ngoạm sâu tận công trình, buộc ngừng hoạt động kinh doanh. Các doanh nghiệp phải sử dụng dây sắt, chằng chéo để các cây dừa nước không bị gãy. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp khắc phục tạm thời vì hàng loạt gốc dừa biển đã bị sóng đánh bật gốc, cuốn trôi. Tại khu vực cửa xả Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) cát bồi lấp các cửa xả. Cạnh đó, phần trụ móng của khu vực nhà hàng Vip Sao Biển (thuộc Khu dịch vụ giải trí Dana Beach Club) trơ chân đế, hàng chục gốc dừa giữ cát bị trơ gốc, cuốn trôi. Ông Trần Thanh Thiên, Giám đốc điều hành Khu dịch vụ giải trí này, cho biết: Khu vực sạt lở bị ảnh hưởng bởi hai bờ kè của cửa xả Mỹ An. Lượng mưa lớn đã cuốn trôi cả cống xả rất dài, đây là đợt sạt lở nặng nhất từ trước tới nay, ảnh hưởng trực tiếp đến nhà hàng Vip Sao Biển. Hiện chưa có cách khắc phục, vì thời tiết rất xấu. Để an toàn, nhà hàng phải đóng cửa.

Đà Nẵng đang thật sự cần một “kỹ sư trưởng” trong quy hoạch đô thị, nhất là trong lĩnh vực thoát nước. Nhiều chuyên gia lưu ý, chính quyền thành phố cần cẩn trọng hơn với các dự án thoát nước phía đông thành phố vì sát bờ biển, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm kép môi trường sống và môi trường biển. Đà Nẵng có sông, có biển, nhưng khi mưa đổ dồn một lúc quá lớn, thì không có cách nào khác để khắc phục, nếu hệ thống thoát nước trong thành phố không khớp nối khoa học. Hiện nay, mỗi năm Đà Nẵng chi 83 tỷ đồng cho việc nạo vét hệ thống kênh mương thoát nước cả thành phố, tuy nhiên, hiệu quả mang lại chưa tương xứng.

Năm 2019, Đà Nẵng thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, tiến hành khơi thông toàn bộ hệ thống thoát nước, khảo sát đánh giá cụ thể vấn đề liên quan đến các chỉ số môi trường, vấn đề biến đổi khí hậu, khiến bờ biển bị xâm thực nghiêm trọng. Đà Nẵng đang đối mặt với nhiều vấn đề lớn về môi trường. Chính quyền thành phố cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, cần tổ chức đánh giá cơ bản về tác động của biến đổi khí hậu, đánh giá lại sức chống chịu của hệ thống thoát nước. Áp lực của phát triển nóng, quy hoạch đô thị đứt khúc, ý thức của một bộ phận người dân, doanh nghiệp trong việc chung tay vì một thành phố không ngập úng, không rác… là những vấn đề Đà Nẵng cần nhìn nhận trong lộ trình hướng tới danh hiệu Thành phố môi trường.

Nguồn: nhandan.com.vn

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Thông tin

Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ.

Địa chỉ: 660 Trưng Nữ Vương - Quận Hải Châu – Đà Nẵng

Điện thoại: 0236 3 618630 - Fax: 02363 618139

Email: webmaster@kttvttb.vn