Kinh tế - Chính trị - Văn hóa - Xã hội

Bà lão co ro trong nửa căn nhà sau lũ

1883

Vốn dĩ đã nghèo nhất xã, nay bà Phú còn mất thêm nửa căn nhà rách vì lũ. Hàng ngày trong nửa căn nhà cũ nát còn lại, bà lão già yếu một mình co ro trong mưa gió, lạnh lẽo, chống chọi với những cơn đau quằn quại của bệnh tật.

Hoàn cảnh của bà Nguyễn Thị Phú (84 tuổi), ở thôn Điền Chánh, xã Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) không khỏi khiến nhiều người trong xóm chạnh lòng, mặc dù họ đã biết và quá quen với hình ảnh này.


Nửa căn nhà của bà Phú bị sập do mưa lũ

Nửa căn nhà của bà Phú bị sập do mưa lũ

 

Bà Phú thất thần bên căn nhà sập sau lũ
Bà Phú thất thần bên căn nhà sập sau lũ

 

Nửa căn nhà còn lại cũng có thể đổ sập bất cứ lúc nào
Nửa căn nhà còn lại cũng có thể đổ sập bất cứ lúc nào

Trận lũ dài ngày đi qua chưa lâu nên thi thoảng trời vẫn còn đổ những cơn mưa nặng hạt, kéo theo cái lạnh căm của những ngày cuối năm. Nhà bà Phú nằm khuất sâu trong nhiều lùm chuối, phải lội bộ qua một đoạn đường đất sình lầy nước quá mắt cá chân mới tới. Ngổn ngang gạch, ngói bể xen lẫn với mớ cột, kèo tre mục từ nửa căn nhà sập nằm chắn cả lối vào.

Chúng tôi vừa vào ngõ đã nghe tiếng thều thào của bà lão sốt cao gần một tuần vọng ra từ chiếc giường tre cũ kỹ đặt trước hiên nhà: “Mấy chú tới cứu trợ à?”. Nhiều ngày nay, căn nhà sập của bà lão đón nhiều đoàn cứu trợ đến thăm hỏi và phát mì tôm, nước uống…

Nhà ở vùng trũng lại sát bên cánh đồng nên đợt lũ vừa rồi nước quây kín, ngập trắng lối ra vào nhà bà. Đêm hôm mưa lũ nhưng mấy ngày liền bà lão phải một mình co ro trên chiếc giường tre trước hiên. “Giữa trận lụt, tôi đang nằm ngủ trong nhà thì nghe một tiếng rầm, chạy ra thì thấy nhà sập một nửa. Đêm hôm mưa gió không biết kêu ai, đi đâu, cố hết sức kéo chiếc giường tre ra trước hiên chứ không dám nằm trong nhà nữa. Mấy ngày nay tôi ăn ngủ đều trên chiếc giường này. Đợt lụt may mà có mấy chú công an với xã chèo ghe tới phát mì tôm, nước uống chứ không thì tôi cũng không biết lấy gì để ăn nữa”, bà Phú bộc bạch.

 

Bà Phú nghẹn ngào khi kể về cuộc đời mình
Bà Phú nghẹn ngào khi kể về cuộc đời mình

 

Nhà sập hết nửa, nơi ăn ở của bà Phú co cụm trong chiếc giường tre này
Nhà sập hết nửa, nơi ăn ở của bà Phú co cụm trong chiếc giường tre này

 

Chiếc nồi – vật gia dụng giá trị nhất còn lại trong căn nhà
Chiếc nồi – vật gia dụng giá trị nhất còn lại trong căn nhà

 


Mì tôm sống trở thành món ăn chính của cụ bà nay đã ngoài tuổi 80

Mì tôm sống trở thành món ăn chính của cụ bà nay đã ngoài tuổi 80

 

Tâm nguyện cuối đời của bà là có được một căn nhà đủ sức vượt qua gió mưa
Tâm nguyện cuối đời của bà là có được một căn nhà đủ sức vượt qua gió mưa

Trong nửa căn nhà tuềnh toàng được xây dựng cách đây hơn nửa thế kỉ, chẳng có vật dụng gì đáng giá, đồ đạc đều là những vật dụng người khác bỏ đi được bà lượm lặt và xin lại. Trên chiếc giường tre, một manh chiếu cũ, một chiếc gối xỉn màu và một tấm chăn mỏng là những thứ giúp bà chống chọi với từng đợt gió rít liên hồi. Nhà sập nên điện cũng bị cắt, chiếc bóng đèn duy nhất trong nhà cũng tắt ngỏm. Nhiều ngày liền bà Phú phải mò mẫm trong ngọn đèn dầu leo lắt.

Thứ được bà Phú nâng niu nhất là… chiếc nồi khi nó được treo cẩn thận trên cây cột trước nhà. Với bà đây là vật dụng đáng giá nhất trong nhà. Những ngày không đau ốm, với chiếc nồi này bà có thể vừa nấu cơm vừa kho thêm ít cá vụn để có được bữa cơm qua ngày.

Kể về cuộc đời của mình, bà Phú chỉ dùng duy nhất một từ "khổ". Cái nghèo đã đeo bám cuộc đời bà từ khi vừa lọt lòng mẹ đến tận cuối cuộc đời. Sinh ra trong một gia đình nghèo, lớn lên lập gia đình cuộc sống vẫn túng quẫn mặc dù cả hai vợ chồng đều chí thú làm ăn. Chồng mất sớm, một nách 4 đứa con thơ dại, một mình bà phải gồng gánh bươn chải nuôi con. Giờ già cả, lại mang trong mình nhiều bệnh tật nhưng mọi sinh hoạt của bà chỉ gói gọn trong 270 nghìn đồng/tháng từ khoản trợ cấp dành cho người già.

“Ngày còn trẻ, nửa đêm tôi còn ở ngoài đồng chưa về, sức yếu nhưng con đông nên phải ráng làm. Một mình nên không thể lo cho con được chu đáo, không được ăn học đến nơi đến chốn nên giờ đứa nào cũng nghèo cũng khổ. Nhiều người bảo sao tôi không lên ở với con, nhưng thấy chúng chạy ăn từng bữa để nuôi con nên tôi không nỡ gây thêm gánh nặng. Thôi thì cũng già yếu rồi, ở đây sống được bao lâu nữa thì sống” - bà Phú nghẹn ngào.

Ở gần nhà, thỉnh thoảng bà Trầm hay đem cơm canh qua cho bà Phú. “Nhiều lúc thấy tôi qua mà bà ấy cũng không ngồi dậy nổi vì quá mệt. Lại lục nồi thì thấy chẳng có gì, tôi bảo khi nào không có đồ ăn thì qua nhà tôi ăn nhưng không thấy bà qua, chắc do bà ấy sợ phiền hà”, bà Trầm nói.

Ông Nguyễn Quang Lâm – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Điền cho biết, bà Nguyễn Thị Phú là trường hợp có hoàn cảnh khó khăn nhất xã hiện tại, tuổi đã cao lại bệnh tật và sống một mình nên địa phương thường quan tâm giúp đỡ bằng cách cử lực lượng xuống nhà thăm hỏi, phụ giúp bà cụ những công việc nặng. Tuy nhiên, điều kiện xã còn nghèo nên chỉ giúp đỡ được phần nào. “Đoàn cứu trợ nào về chúng tôi đều ưu tiên cho trường hợp của bà đầu tiên, vì hoàn cảnh của bà quá bi đát”, ông Lâm nói.

Nguồn: dantri.com.vn

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Thông tin

Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ.

Địa chỉ: 660 Trưng Nữ Vương - Quận Hải Châu – Đà Nẵng

Điện thoại: 0236 3 618630 - Fax: 02363 618139

Email: webmaster@kttvttb.vn