Kinh tế - Chính trị - Văn hóa - Xã hội

Hướng tới nông nghiệp công nghệ cao

1758
 

“Việt Nam cần hướng tới một nền nông nghiệp thông minh - hiệu quả - chất lượng cao với giá thành phù hợp ở các vùng áp dụng nông nghiệp công nghệ cao và các vùng sản xuất nông nghiệp truyền thống” TS. Nguyễn Việt Long, Giám đốc Trung tâm ươm tạo công nghệ nông nghiệp tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết

Nhận định về việc vài năm gần đây, Nhà nước đưa ra nhiều chính sách, chiến lược và chương trình để thay đổi nền nông nghiệp Việt Nam, tuy nhiên, TS Long cho rằng “chưa thực sự bắt nhịp với thế giới” .
Nền nông nghiệp Việt Nam chưa thực sự bắt nhịp thế giới (Ảnh: Internet)

Vị TS lấy ví dụ, “hiện nay, chúng ta vẫn nghe nói đến những chương trình cơ khí hoá nông nghiệp tại Việt Nam, nhưng ở những nước sản xuất nông nghiệp tiên tiến thì mục tiêu của họ là nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao để tạo ra một nền nông nghiệp thông minh – hiệu quả - chất lượng cao. Xu hướng áp dụng công nghệ trong nông nghiệp của thế giới sắp tới sẽ tương tự với xu hướng công nghệ trong tất cả các lĩnh vực khác của cuộc sống đó là cuộc cách mạng kết nối (internet of things) chứ không đơn thuần là cơ khí hoá nông nghiệp”

“Trong bối cảnh nông nghiệp thế giới phải tăng sản lượng lương thực lên 70% vào năm 2050 trong điều kiện nguồn tài nguyên thiên nhiên (đất đai, nước ngọt) ngày càng khan hiếm, với yêu cầu sử dụng ít hơn phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hoá học để nâng cao chất lượng sản phẩm và biến đổi khí hậu ảnh hưởng tiêu cực đến nông nghiệp ngày càng rõ nét, sản xuất nông nghiệp cần phải tìm ra các giải pháp công nghệ hỗ trợ. Nông nghiệp Việt Nam mặc dù có đặc thù nhưng không thể tách rời bối cảnh nông nghiệp thế giới”, Tạp chí Tia sáng dẫn lời TS Long

Nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hiện đại hay nông nghiệp thông minh và nông nghiệp chính xác có thể hiểu chung đó là một nền nông nghiệp dùng một hoặc phối hợp các công nghệ từ khoa học/công nghệ sinh học, hoá học, vật lý, cơ khí nông nghiệp, hiện nay là công nghệ sensor (cảm biến), công nghệ đám mây điện tử, công nghệ thông tin….) áp dụng trong quản lý sản xuất nông nghiệp.

Còn hiểu một cách tách biệt, nông nghiệp thông minh là ngành nông nghiệp có hiệu quả cao, thân thiện với môi trường, hệ thống hay quy trình sản xuất nông nghiệp có sử dụng các công nghệ cảm biến, tự động hoá, kết nối. Nông nghiệp thông minh còn có thể hiểu đơn giản là các quy trình sản xuất truyền thống nhưng được tính toán áp dụng khoa học để đạt được hiệu quả cao. Ví dụ như sử dụng giống chịu hạn trồng ở những vùng hạn hán cũng được xem là nông nghiệp thông minh thân thiện với môi trường (smart climate agriculture).

Nông nghiệp chính xác cũng được xem là nông nghiệp thông minh, nhưng nông nghiệp chính xác chỉ nói đến ngành nông nghiệp sử dụng công nghệ hỗ trợ như cảm biến, vệ tinh, công nghệ hình ảnh để giúp giảm thiểu sức người, nâng cao độ chính xác trong nghiên cứu và sản xuất. Ví dụ máy gieo hạt, máy làm cỏ được gắn thiết bị cảm biến giúp gieo hạt chính xác, hay làm cỏ tự động và chính xác.

Việt Nam cần hướng tới một nền nông nghiệp thông minh - hiệu quả - chất lượng cao với giá thành phù hợp ở các vùng áp dụng nông nghiệp công nghệ cao và các vùng sản xuất nông nghiệp truyền thống.

Tuy nhiên việc áp dụng các công nghệ hiện đại như nông nghiệp chính xác còn có nhiều khó khăn. Học viện Nông nghiệp Việt Nam hiện nay đã có một số nhóm hay có một số doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam đang nghiên cứu tạo ra các quy trình sản xuất ứng dụng công nghệ thông minh nhưng vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu.

TS Long cho rằng “việc đầu tư của Nhà nước chỉ nên tập trung tài trợ cho các cơ sở nghiên cứu mạnh, nghiên cứu liên ngành để tạo ra công nghệ phù hợp cho nông nghiệp Việt Nam”

“Còn lại, vai trò chính của Nhà nước là đưa ra các chính sách hợp lý và hiệu quả thúc đẩy doanh nghiệp đặt hàng nhà khoa học và tham gia đầu tư nghiên cứu ứng dụng công nghệ vào sản xuất.”

Phân tích rõ hơn, TS lấy dẫn chứng, “đa số doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, chất lượng cao hiện nay đang gặp khó khăn trong việc sản phẩm giá trị cao của họ bị cạnh tranh không lành mạnh trong tình cảnh thương hiệu hay tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm tại Việt Nam có thể mua bán được, vì vậy chính sách về quản lý chất lượng, minh bạch trong quản lý sản xuất, nguồn gốc sản phẩm để người tiêu dùng phân biệt được các sản phẩm sẽ thúc đẩy doanh nghiệp, thúc đẩy ứng dụng công nghệ nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác trong quản lý sản xuất”.

“Hiện nay chúng ta thấy có những chương trình đầu tư của Nhà nước cho các nghiên cứu tạo ra các công nghệ xử lý chất thải- bảo vệ môi trường, kết quả của nghiên cứu có thể tốt nhưng các cơ sở sản xuất không bị giám sát quy trình xả thải chặt chẽ, hay nói cách khác cơ sở sản xuất vẫn có thể tìm cách không phải chi tiền cho công nghệ xử lý chất thải thì kết quả nghiên cứu sẽ rất khó được áp dụng vào thực tiễn”

Nguồn:moitruong.com.vn

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Thông tin

Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ.

Địa chỉ: 660 Trưng Nữ Vương - Quận Hải Châu – Đà Nẵng

Điện thoại: 0236 3 618630 - Fax: 02363 618139

Email: webmaster@kttvttb.vn