Home/news/kinh-te-chinh-tri-van-hoa-xa-hoi/vung-chai-bien-troi-tay-nam-hai-dang-gan-120-nam-tuoi-515
Muốn tới được Hòn Khoai (cách đất liền gần 15 km), khách đi tàu lớn phải đổi qua ba chặng cả tàu lẫn ghe nhỏ mới vào được bờ.
Từ đây đi bộ chừng 1 km từ Bãi Nhỏ lên đồn biên phòng 700, rồi phải leo đường núi gần 3 km nữa mới đến ngọn hải đăng.
Dấu ấn khởi nghĩa Hòn Khoai
Thật may, khi đoàn công tác Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân đến Hòn Khoai, đang có đơn vị công binh xây dựng ở đây nên đoàn “mượn” chiếc xe tải chở vật liệu mà anh em gọi đùa là “taxi mui trần” chở khách từ đồn biên phòng tới trạm ra đa nằm kề ngọn hải đăng. Thoát được cảnh lội bộ đường núi nhưng việc ngồi sau xe, bò từ từ lên trên con đường làm từ thời Pháp gập gềnh ổ gà, ổ trâu cũng mang lại cảm giác mạnh xen lẫn thú vị. Có những đoạn đường xe leo dốc nghiêng gần 45 độ, len lỏi đi giữa rừng rậm không khác gì bộ đội Trường Sơn ngày xưa băng rừng, mở núi.
Xe chạy mãi rồi cũng tới ngọn hải đăng được xây dựng đầu tiên trong vùng biển Tây Nam. Hải đăng Hòn Khoai được Pháp xây dựng vào năm 1899, cách đây gần 120 năm và là một trong sáu ngọn hải đăng lâu đời nhất VN. Điều đặc biệt ở ngọn hải đăng này là dù được xây dựng từ cách đây rất lâu nhưng đến nay hiện trạng nhà cửa, hải đăng vẫn được giữ gần như nguyên vẹn. Từ ngoài cổng trạm đi vào, gian nhà phía bên phải đặt bia tưởng niệm khởi nghĩa Hòn Khoai. Nơi đây, vào những năm 40 của thế kỷ trước, cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai do thầy giáo Phan Ngọc Hiển lãnh đạo đã nổi dậy và giành thắng lợi nhanh chóng, chiếm ngọn hải đăng. Ngọn hải đăng và địa danh Hòn Khoai đã được nhà nước công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Đi sâu vào là tòa nhà chính của trạm và ngọn tháp. Khi chúng tôi đến, tòa nhà chính lẫn tháp hải đăng đang được sơn mới và xây dựng thêm một số công trình nhà ăn, phòng tắm... cho nhân viên ở trạm. Tòa nhà chính có diện tích khá lớn, tường của tòa nhà được xây dựng rất kiên cố, dày chừng nửa mét bảo đảm chịu được khí hậu khắc nghiệt ở biển, nắng không nóng và rét không lạnh. Hải đăng Hòn Khoai có hình khối vuông, chiều cao của tháp là 15,7 m, mỗi cạnh 4 m, được xây bằng đá hộc và xi măng, xây dựng trên nền đất có độ cao là 318 m so với mặt biển. Đáng chú ý, dưới tòa nhà chính có một bể nước rộng tích trữ nước mưa đảm bảo cho nhân viên của trạm sử dụng quanh năm. Đứng trên ngọn hải đăng có thể nhìn được xa hơn 40 hải lý và bao quát được một khung cảnh rất đẹp của biển.
Nhiều năm đón Tết xa nhà
Hiện Hòn Khoai chưa có người dân sinh sống mà chủ yếu là lực lượng hải quân, biên phòng, kiểm lâm, với nhiệm vụ chính là phối hợp với nhau để đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên biển và trong khu vực đảo, nhất là sẵn sàng cứu giúp ngư dân đi đánh bắt hải sản xa bờ gặp nạn, giông bão để trú ẩn… Riêng trạm hải đăng Hòn Khoai có 6 nhân viên và trạm trưởng là anh Nguyễn Hoài Nam, ở đảo gần 8 năm. Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Đình Tùng (30 tuổi), quê ở Chí Linh (Hải Dương), cho biết sau khi xuất ngũ đã ra Trạm hải đăng Hòn Khoai công tác được 4 năm. Anh Tùng có vợ là giáo viên và
2 con đang ở xã Đất Mũi, H.Ngọc Hiển (Cà Mau) nhưng do nhiệm vụ công tác nên vài tháng anh Tùng mới về thăm nhà một lần.
Ngoài yếu tố lâu đời nhất trong số các hải đăng ở vùng biển Tây Nam thì công tác ở Trạm hải đăng Hòn Khoai cũng vất vả hơn so với các trạm hải đăng khác. Anh Tùng kể cực nhất là đi lại, vận chuyển lương thực nhu yếu phẩm. Thời kỳ mới ra trạm, mỗi lần có tàu ra, anh em trong trạm phải vác từng bình gas, bao gạo nặng
50 kg, lương thực lội bộ từ bãi, vượt dốc với quãng đường hơn 3 km để đưa lên trạm. “Bây giờ có xe máy để vận chuyển đồ lên trạm khiến tụi tôi đỡ vất vả hơn. Nhưng quãng đường từ dưới Bãi Nhỏ lên đồn biên phòng dài gần 1 km gập ghềnh bậc thang, xe không thể đi được, mỗi lần có lương thực ra anh em vẫn phải vác đồ lên”, anh Tùng nói.
Bốn năm công tác ở trạm hải đăng nhưng chỉ mới một lần anh Tùng được ăn tết ở nhà. Nếu tính tết năm 2017 nữa thì đây là cái tết thứ tư anh Tùng ăn tết ở Hòn Khoai. Anh Tùng cho hay do đảo chưa có dân nên tết buồn lắm. Hết giờ trực, anh em ở đơn vị này lại đi qua đơn vị kia chúc tết lẫn nhau.
“Tết ở đảo trôi chậm lắm, nhất là đêm giao thừa. Anh em chỉ biết làm tốt công việc rồi mong thời gian trôi nhanh để ra tết được nghỉ phép về nhà gặp vợ con. Người Việt mình dù đi đâu cũng mong ngày tết được sum họp, đoàn tụ với gia đình”, anh Tùng tâm sự.
Hòn Khoai (tên cũ: đảo Giáng Tiên, hòn Độc Lập) nằm cách đất liền 14,6 km, thuộc xã Tân Ân, H.Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Đây là một trong những hòn đảo đẹp nhất cực nam Tổ quốc. Hòn Khoai là tên gọi dân gian của đảo, được giải thích theo hai cách: trên đảo có trồng nhiều khoai và đảo có hình dáng củ khoai. Hòn Khoai có diện tích khoảng 4 km2, đồi và rừng nguyên sinh còn gần như nguyên vẹn với nhiều loại gỗ quý, nhiều nhất là gỗ sao và một quần thể động thực vật phong phú, phong cảnh thiên nhiên hoang dã lôi cuốn du khách.
|
Nguồn: thanhnien.vn
TIN TỨC CHUNG
Leave a reply
Your email address will not be published. Required fields are marked *
Tin tức