Môi trường

Hủy hoại môi trường có thể bị đưa ra tòa Hình sự quốc tế

1954
Giữa tháng 9 vừa rồi, Tòa án Hình sự quốc tế - ICC ra tuyên bố sẽ thụ lý các vụ án liên quan tới hành vi hủy hoại môi trường.
Tại VN, Bộ TN-MT cũng đang tập trung kiểm tra, có giải pháp mạnh vào nhóm 20% đối tượng nhưng gây ra 70 - 80% vấn đề về môi trường.
 
Hủy hoại môi trường có thể bị đưa ra tòa Hình sự quốc tế - ảnh 1
Giáo sư Nguyễn Vân NamẢNH: NVCC
       
Liệu VN có thể đưa các vụ án môi trường ra tòa án quốc tế? Thanh Niêncó cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Vân Nam, Giáo sư (GS) - tiến sĩ khoa học về luật Tổ chức nhà nước và Công pháp quốc tế.
Hủy hoại môi trường là tội ác
Thưa GS, chúng ta nên hiểu thế nào cho đúng về việc ICC ra tuyên bố sẽ thụ lý các vụ án liên quan đến hành vi hủy hoại môi trường?
Mỗi tòa án quốc tế chịu trách nhiệm và có thẩm quyền xét xử cho từng lĩnh vực khác nhau như dân sự, đầu tư, biển, hình sự… Tòa án Hình sự quốc tế - ICC có trụ sở chính thức tại The Hague (Hà Lan), được thành lập năm 1998 theo Quy chế Rome, là một tòa án chỉ có thẩm quyền xét xử các tội phạm liên quan đến tội ác diệt chủng, tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người.
Một tòa án không thể tự cho mình thẩm quyền xử cái này hay cái khác được, mà phải theo quy chế hoạt động do cơ quan có thẩm quyền thành lập ra nó quy định. Với ICC thì đó là Quy chế Rome 1998. Thông báo chính thức của ICC là từ nay, họ cũng sẽ “tập trung vào việc lý giải, áp dụng xem xét tội ác chống lại loài người trong lĩnh vực môi trường, cụ thể là các hành vi hủy hoại môi trường”. Đây hoàn toàn không phải là sự mở rộng thẩm quyền thụ lý, điều tra và xét xử, vì Quy chế Rome 1998 đã cho phép ICC xét xử những tội ác chống lại loài người.
Tại sao ICC lại có sự thay đổi trong cách lý giải, cách hiểu về tội ác chống lại loài người như ông vừa phân tích?
ICC không thay đổi cách lý giải mà chỉ đơn giản là mở rộng phạm vi lý giải đến các hành vi khác có thể là tội ác chống lại loài người. Trước đây, người ta thấy tội ác chống lại loài người chỉ tập trung vào nhóm hành vi bạo lực hay sử dụng vũ lực. Bây giờ, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, người gây ra tội ác không cần dùng đến hành vi bạo lực hay vũ lực, mà có thể sử dụng các loại vũ khí hóa học, sinh học, thậm chí sử dụng môi trường như một vũ khí hủy diệt. Đặc biệt, giờ đây con người bắt đầu nhận ra (cũng bắt đầu thấy sợ hãi) một cách trực tiếp rằng, hủy hoại môi trường sống chính là lấy đi cơ sở nền tảng quan trọng nhất để con người có thể tồn tại. Vì thế, hủy hoại môi trường chính là một tội ác chống lại loài người. Tuyên bố của ICC phản ánh nhận thức chung của toàn xã hội loài người về mức độ nghiêm trọng của sự phá hủy môi trường hiện nay, về tầm quan trọng của môi trường và trách nhiệm bảo vệ môi trường của con người.
 
 
 
Hủy hoại môi trường có thể bị đưa ra tòa Hình sự quốc tế - ảnh 2
Đặc biệt, giờ đây con người bắt đầu nhận ra (cũng bắt đầu thấy sợ hãi) một cách trực tiếp rằng, hủy hoại môi trường sống chính là lấy đi cơ sở nền tảng quan trọng nhất để con người có thể tồn tại. Vì thế, hủy hoại môi trường chính là một tội ác chống lại loài người
Hủy hoại môi trường có thể bị đưa ra tòa Hình sự quốc tế - ảnh 3
 
 
 
Formosa có thể trở thành án lệ
Nhưng các tổ chức quốc tế đều hoạt động trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia. Vậy ICC sẽ thụ lý các vụ án như thế nào và trong trường hợp nào?
Để đảm bảo nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia, ICC chỉ được quyền thụ lý điều tra, xét xử khi: a) Thủ phạm có quốc tịch của một quốc gia ký gia nhập Hiệp định Rome 1998; b) Hành vi hủy hoại môi trường xảy ra ở một quốc gia là thành viên hiệp định này;
Hoặc c) được Liên Hiệp Quốc cho phép xét xử nếu không thuộc các trường hợp a, hay b.
Thêm vào đó, ICC chỉ được phép thụ lý xét xử một hành vi hình sự, khi tòa án quốc gia không muốn, hoặc không thể xét xử hành vi phạm tội đó.
Tuy ICC đã có định nghĩa thế nào là một tội ác chống lại loài người, nhưng các tiêu chí và yếu tố cấu thành cho loại hành vi chống lại loài người do hủy hoại môi trường lại vẫn còn thiếu. Để một hành vi hủy hoại môi trường trở thành một tội ác chống lại loài người, thì chắc chắn nó phải vượt khỏi giới hạn của một hành vi phá hoại môi trường bình thường ở cả 3 góc độ là: mức độ nghiêm trọng; phạm vi ảnh hưởng, mức độ tác động đến con người; và số lượng người bị ảnh hưởng.
Từ đầu năm đến nay có nhiều sự cố, thậm chí thảm họa về môi trường xảy ra ở VN, theo GS có vụ việc nào đủ tầm mức để ICC xem xét thụ lý?
Theo tôi, một số thảm họa môi trường ở VN trong thời gian qua cũng có thể là đối tượng được ICC điều tra. Ví dụ như vụ Formosa, có người gọi đó là sự cố môi trường nhưng ở góc độ khoa học và môi trường thì đó là một thảm họa. Nó đã ảnh hưởng đến một vùng biển rộng lớn và phải mất vài chục, thậm chí có thể cả trăm năm, môi trường biển ở khu vực này mới có thể phục hồi nguyên trạng. Tổng thiệt hại về mặt kinh tế do thảm họa này gây ra nếu tính đúng, tính đủ sẽ là rất lớn. Thảm họa này tác động trực tiếp, đe dọa sự tồn tại của hàng trăm ngàn gia đình ngư dân; ảnh hưởng xấu đến sinh kế, sức khỏe của hàng triệu người dân với những hậu quả chưa thể lường hết được trong tương lai. Vụ Formosa cũng có thể được ICC xem xét thụ lý điều tra, nếu được các luật sư giỏi của nước ngoài giúp đỡ.
Tôi cũng muốn lưu ý thêm rằng, đây là thảm họa môi trường liên quan đến sản xuất công nghiệp lớn nhất ở thời điểm hiện tại trên toàn thế giới. ICC mới tuyên bố thụ lý các vụ án môi trường và họ có thể cũng cần một vụ kiểu như vậy để làm án lệ.
Đặt trường hợp nếu có thắng kiện thì có cơ chế ràng buộc nào để bên thua kiện thực hiện các phán quyết của ICC không thưa GS?
Đầu tiên, ICC là tòa án thuộc hệ thống các tòa án quốc tế chính thức được Liên Hiệp Quốc công nhận nên ICC có quyền yêu cầu Interpol truy nã, bắt người và tống giam để phục vụ điều tra hoặc thực hiện các nghĩa vụ mà ICC yêu cầu. Ví dụ như trước đây họ xử các vụ án về tội ác chiến tranh ở một số nước Đông Âu, Campuchia… Những người lãnh đạo cũ của các nước này cứ tưởng rằng họ sẽ an toàn ở trong nước của họ, nhưng lực lượng cảnh sát quốc tế, các lực lượng đặc nhiệm của quốc gia là thành viên Liên Hiệp Quốc theo lệnh của ICC đã đến tận nơi bắt giữ họ đưa về ICC xét xử. Bên cạnh đó, các nước thành viên tham gia vào Hiệp định Rome, hoặc là thành viên Liên Hiệp Quốc cũng có nghĩa vụ phải thực hiện phán quyết của ICC. Điều này có nghĩa là một khi ICC chấp nhận điều tra, thụ lý vụ án, đem ra xét xử và tuyên án, thì bản án này sẽ được thực hiện một cách triệt để nhất trong phạm vi toàn thế giới. Nên hoàn toàn không có chuyện xử “cho vui” đâu.
“Trách nhiệm của mỗi người chúng ta”
GS Nguyễn Vân Nam nhấn mạnh: “Vấn đề xây đập thủy điện sông Mê Kông là rất quan trọng với hàng triệu triệu người dân của 6 nước sống trong lưu vực; nhưng trong tương lai rất gần sẽ trở thành vấn đề tồn tại hay không tồn tại của 20 triệu người dân ĐBSCL. Ngăn chặn việc xây dựng những con đập này chính là ngăn chặn một tội ác chống lại loài người. Đó phải là trách nhiệm của mỗi người chúng ta”.
Theo TS Tô Vân Trường, việc "hình sự hóa" các vụ án gây ô nhiễm môi trường cho thấy rõ ràng tội ác gây ra thảm họa môi trường có tính chất nghiêm trọng gây tổn hại đến sự sống nhân loại. Trên bình diện quốc tế thì rõ ràng coi tội phạm gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường là tội phạm hình sự sẽ buộc các doanh nghiệp có ý thức hơn trước khi phạm tội, vì khung hình phạt khi phạm tội chắc chắn sẽ cao hơn.
Nguồn: thanhnien.vn
 

Leave a reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Thông tin

Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ.

Địa chỉ: 660 Trưng Nữ Vương - Quận Hải Châu – Đà Nẵng

Điện thoại: 0236 3 618630 - Fax: 02363 618139

Email: webmaster@kttvttb.vn